Cửa hàng bán hàng mã nhộn nhịp ngay từ đầu tháng Ngay từ đầu tháng 7 (âm lịch), tại các cửa hàng kinh doanh tiền, vàng, quần áo âm phủ tại phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bắt đầu sôi động.
Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng kinh doanh tại đây, từ cuối tháng 6 (âm lịch) các cửa hàng tại đây đã nhập hàng về để phục vụ cho người dân mua tiêu dùng bắt đầu từ ngày 1/7 trở đi. Vì theo tục cổ truyền, cúng Rằm tháng 7 thường từ đầu tháng đến hết ngày 14.
Cửa hàng bán vàng mã ở số 12 Hàng mã nhộn nhịp từ đầu tháng 7 (âm lịch). |
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết những người đến đây đều mua rất nhiều đồ lễ từ quần áo, nhà, trang sức, tiền xu, tiền vàng …
Quần, áo cho chân linh từ 20.000 – 50.000 đồng/sản phẩm, tùy theo áo phông, sơ mi,... Nhà giấy có giá từ 120.000 – 150.000 đồng/chiếc. Áo dài nữ cả bộ 60.000 đồng/bộ. Gia đình có bao nhiêu chân linh thì mua bấy nhiêu bộ quần, áo. Mỗi hóa đơn thanh toán từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Mỗi chiếc áo phông người khách cầm có giá 20.000 đồng/chiếc. |
Hiểu thế nào về lễ Rằm tháng 7? Theo phong tục cổ truyền, dân gian thường gọi tháng 7 (âm lịch) là tháng cô hồn. Do đó có lễ Xá tội vong nhân. Cũng trong dịp này người ta còn gọi làm lễ Vu lan. Nhiều người hiểu đây là 1 lễ nhưng đúng là 2 lễ khác nhau
Lễ Vu lan, là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên cho cả người đã khuất và còn sống. Đó một tập tục đáng quý của người Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu với đấng sinh thành.
Với ngày lễ Vu lan theo tập tục của dân gian, người con còn cha mẹ thì cài trên áo một bông hồng màu đỏ. Nếu mất 1 trong 2 người cha hoặc mẹ thì cài lên ngực áo một bông hồng trắng và một bông hồng màu đỏ. Nếu cả 2 đấng sinh thành đã mất thì người con cài lên áo một bông hồng màu trắng trong ngày làm lễ Vu lan.
Nhiều người đến làm lễ Vu lan ở chùa trong dịp Rằm tháng 7. |
Phần sắm lễ để cúng theo nghi thức nhà phật, con cháu đi lên chùa dâng hương lòng thành kêu phật độ trì cho chân linh của gia tiên siêu thoát và hồi hướng. Sau đó về làm lễ tại gia, con cháu chỉ cần sắm sửa cơm canh bình thường dâng lên lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Với người cha, mẹ còn sống con cháu về quây quần bên mâm cơm đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Nếu ai đó có điều kiện, mua thêm những phần quà nhỏ kính tặng cha mẹ, ông bà mình chính là thể hiện tấm lòng kính trọng, hiếu thảo.
Lễ Xá tội vong nhân, theo quan niệm dân gian đến tháng 7, cửa ngục cõi âm được mở cho các chân linh được siêu thoát, về cõi trời để được tái sinh. Vong linh khi ra khỏi cửa ngục cõi âm về cõi trần, những người có con cháu cúng lễ sẽ hồi hướng về với gia đình; nhưng có chân linh không nhà, không cửa, sẽ lang thang trên cõi trần và ăn mày vào bất kỳ gia đình nào. Đây chính là lý do mà các gia đình đã làm lễ cúng xá tội vong nhân để cho các vong linh đó khỏi quấy nhiễu gia đình, con cháu. Đây cũng là thể hiện sự tri ân thành kính của người còn sống với người đã khuất.
Sính lễ kêu cầu trong lễ Xá tội vong nhân là: Bánh, kẹo, gạo, muối, khoai, sắn, trái cây, bỏng lẻ … Cùng với đó là tiền lẻ, tiền vàng, và từ quần áo chúng sinh…
Lễ trong tháng 7, còn gọi Tết Trung nguyên, địa quan xuống trần, phán xét thiện ác nhân gian, do đó đạo sĩ thì tụng kinh, quỷ đói, tù đồ cũng được giải thoát.
Như vậy, sính lễ theo tục cổ truyền của dân gian không phải mâm cao cỗ đầy mới là hiếu thảo với người đã khuất mà cần cả tấm lòng tri ân của con cháu với cha mẹ khi còn sống.
Nhiều người đã hiểu sai: “Trần sao, âm vậy” Những xe hàng mã chuyển về các cửa hàng trên phố Hàng Mã. |
Ông cha ta từ xưa có câu “trần sao, âm vậy”. Ngày nay nhiều người cứ nghĩ xã hội đổi mới, đời sống được nâng cao phải mua nhiều đồ dùng hiện đại cúng lễ cho chân linh. Nhiều người, mua xe máy xong, có người nói thế ngày trước các cụ không đi xe máy sao đi được thì lại mua thêm quyển sách học lái xe, quyển luật giao thông để cúng tiến… Có người mua nhà xong không có đất lại làm lễ mua đất âm …
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm: Nhiều người cho rằng cúng cứ phải mâm cao cỗ đầy dâng lên tổ tiên, hay mua sắm nhiều đồ dùng cho chân linh đó mới là có tâm thì không đúng và hiểu sai tục lệ “trần sao, âm vậy” của cha ông ta.
Theo ông Thuần, người cúng lễ chỉ cần chính tâm, lễ mọn lòng thành chân linh vẫn chứng. Nhưng những người mâm cao cỗ đầy, mà không chính tâm cúng cũng không được chứng lễ. Xưa kia cha ông ta không có nhiều của cải vật chất như ngày nay, nhưng sống rất có tình người.
“Trần sao, âm vậy” có nghĩa là người thân của mình mất đi khi trước thích thứ gì, khi dâng lễ ta nhớ đến sở thích đó, nếu có thể dâng được thì dâng còn không có cũng không ai quở trách.
Dân gian ta còn có câu “nước mắt chảy xuôi”, muốn nói đến tình cảm của cha mẹ dành cho con không đòi hỏi gì và nếu người con có lỗi lầm muốn được tha thứ cũng bỏ qua.
Mỗi cái nhà hàng mã này có giá 120.000 - 150.000 đồng, tùy vào chất liệu giấy và to nhỏ khác nhau. | |
Như vậy, khẳng định “trần sao, âm vậy” không phải ăn gì là ta dâng lễ thứ ấy; có xe hơi, nhà tầng thì phải mua cho chân linh và cũng không phải cứ mâm cao cỗ đầy là được. Người dâng lễ chỉ cần chính tâm, nghĩ thế nào, làm thế ấy; có thế nào làm thế ấy.
Như vậy, nhiều người đã hiểu sai quan niệm “trần sao, âm vậy”, phú quý sinh lễ nghĩa nên nhiều người đã mua sắm quá nhiều đồ mã cúng tiến cho chân linh, gây lãng phí tiền của. Nếu chỉ cần mỗi hộ gia đình mất 500.000 đồng/bộ mã cúng tiến trong rằm tháng 7 thì khoảng 20 triệu hộ gia đình Việt Nam sẽ đốt đi 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ tốn kém về tiền bạc mà tục phú quý sinh lễ nghĩa đã dần làm mất đi những thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hãy hiểu đúng lễ cúng trong Rằm tháng 7, để có một cái Tết Trung nguyên vừa tiết kiệm, đầm ấm, hạnh phúc, báo hiếu được cha mẹ.