Trưa 8/8/2020, đoàn y, bác sĩ chuyên khoa Thận học và Lọc máu của các bệnh viện thuộc ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã lên đường đến Đà Nẵng để hỗ trợ công tác điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19. Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. |
Đoàn cán bộ y tế được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cử đi hỗ trợ là các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực nội thận, thận nhân tạo và lọc máu đến từ các bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế TP. Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã cử các bác sĩ chuyên khoa hồi sức đến Đà Nẵng. Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. |
Cùng ngày 8/8, 38 cán bộ y tế (18 bác sĩ, 20 điều dưỡng) có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, tận tụy, trách nhiệm với nghề của tỉnh Phú Thọ đã lên đường chi viện cho Quảng Nam. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ. |
Sau 5 giờ di chuyển, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại tâm dịch Quảng Nam. ''Khi có công văn của lãnh đạo bệnh viện, tôi đã đăng ký tham gia đoàn tình nguyện. Chúng tôi đi với một tâm thế quyết tâm khi nào hết dịch mới trở về'', Điều dưỡng Đại học Bùi Trường Sơn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ. |
Trước đó, chiều tối 5/8, đoàn cán bộ y tế gồm 33 người của TP Hải Phòng đã đến Đà Nẵng để hỗ trợ công tác chống dịch. Hầu hết các bác sĩ và điều dưỡng nam trong đoàn đều đã cạo trọc tóc, trong khi đó các y bác sĩ nữ thì chọn cách cắt gọn mái tóc dài. Việc này được giải thích là giúp các y bác sĩ an toàn hơn, tránh bị lây nhiễm Covid-19 khi làm việc lâu dài cùng bệnh nhân. Ảnh T.D. |
Điều dưỡng Tạ Thị Ngọc Ánh (SN 1995, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) mới chỉ kết hôn được 1 tuần cho biết: ''Nhận được thông báo, trong lòng tôi đã thôi thúc muốn được lên đường nhưng vẫn băn khoăn vì mẹ chồng đang ốm, vợ chồng lại mới cưới chưa được bao lâu. Sau khi chia sẻ với chồng và gia đình chồng, tôi rất vui vì mọi người ủng hộ và tự hào về quyết định của tôi''. Ảnh: Mai Dung. |
Ngày 6/8, đoàn 25 y bác sĩ của tỉnh Bình Định chi viện chống dịch Covid-19 cũng đã đặt chân đến Đà Nẵng. Tất cả thành viên trong đoàn đều là những người tình nguyện xung phong, đa số còn trẻ, có sức khỏe tốt để làm việc trong môi trường công việc nhiều áp lực. Ảnh: Trong ảnh lãnh đạo tỉnh Bình Định tiễn đoàn công tác vào Đà Nẵng. Nguồn: Báo Bình Định. |
Một đoàn khác gồm 10 y bác sĩ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đóng tại Bình Định cũng lên đường ngay sau đó chi viện cho tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Bình Định. |
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cử một đoàn bác sĩ vào hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế điều trị cho bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng chuyển ra. Đến 4/8 cử tiếp 2 chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh Covid-19 là BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực vào Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Hiệp. |
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều động 6 đội phản ứng nhanh đến hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Đây đều là các bác sĩ, nhân viên y tế giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm về hồi sức hô hấp, cấp cứu, lọc máu, Thận nhân tạo và cả những người từng trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp. |
Tại Đại học Y Hà Nội, đêm 3/8, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cùng 11 bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đi ô tô vào chi viện cho Bệnh viện Trung ương Huế. Trường Đại học Y Hà Nội cũng cử tổ công tác gồm 7 người và một lãnh đạo nhà trường đến Quảng Nam để hỗ trợ công tác xét nghiệm. Ảnh: Trong ảnh các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lên đường trong đêm. |