Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình thành văn hóa giao thông có quá khó?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, với giới học sinh, sinh viên (HSSV), cụm từ "văn hóa giao thông" có lẽ cũng đã trở thành quá quen thuộc nhưng không phải ai cũng nghĩ đến mỗi khi ra đường.

Mặc dù ngành giáo dục đã không ít lần phát động các chiến dịch, chương trình với rất nhiều kỳ vọng chuyển biến cách ứng xử của những người trẻ khi tham gia giao thông và từ đó lan rộng, hình thành nên một phong cách sống.

Biết thôi - chưa đủ

Bên cạnh những hoạt động vô cùng hữu ích mà các thế hệ HSSV đã và đang thực hiện để góp phần giữ gìn trật tự ATGT, có một thực tế đáng buồn khi Hội Sinh viên Việt Nam thống kê đã từng đưa ra con số là số người vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý ở độ tuổi 16 - 35 chiếm khoảng 80%, 80% SV đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% SV khi lái xe máy còn điều khiển sai kỹ thuật và gần 100% HS THPT điều khiển xe máy không có giấy phép vì chưa đủ tuổi... 
Vi phạm vượt đèn đỏ trên phố Huỳnh Thúc Kháng.     Ảnh: Chiến Công
Vi phạm vượt đèn đỏ trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Chiến Công
 
Thực tế cũng cho thấy, những hiện tượng vi phạm Luật của HSSV phổ biến là phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Nhiều thanh niên HS phóng xe nhanh, gây va quệt, tai nạn cho người khác. Nhiều HS dàn xe đạp, xe máy nghênh ngang trên phố, vừa trêu đùa, vừa cố tình cản trở giao thông. Có những thanh niên "sành điệu", đèo ba, bốn người lạng lách, rú ga đến rợn người. Ngay cả trong các ngõ ngách chật hẹp, không ít người trẻ vẫn phóng xe bạt mạng. Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, tranh cướp đường, gây tai nạn..., tất cả những hành vi này đều xuất hiện trong giới trẻ hiện nay và nguy hại hơn bởi nhiều khi còn tạo thành một cách sống mà họ coi đó là "sành điệu", là nổi bật và có cá tính. 

Chính không ít người trẻ ở Hà Nội thừa nhận, đúng là có rất nhiều điều họ thấy đúng và có thể thực hiện được như đi bộ thì đi trên vỉa hè hoặc sát mép đường bên phải, đi trên đường thì tuân theo đèn tín hiệu... Thật sự rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng không ít bạn trẻ cứ thích bốc đồng, đôi khi tự nhiên muốn khám phá xem tốc độ là như thế nào, thích mạo hiểm để xem cảm giác sẽ ra sao… Mà các hành vi vi phạm này không chỉ biểu hiện ở nam mà cả nữ cũng có. 

Bởi thế nếu nói rằng, giới trẻ hay vi phạm bởi không có hiểu biết đầy đủ về Luật cũng không hẳn đúng. Có thể họ không hiểu sâu, hiểu kỹ, nhưng cũng biết rằng có sự tồn tại của những quy định của Luật ấy, còn việc có nghiêm túc áp dụng những quy định ấy vào cuộc sống hay không lại là một chuyện khác.

Hình thành thói quen từ nhỏ

Trên đường Tây Sơn một sáng thứ Hai, đường tắc nghẽn khiến dòng người hầu như không thể nhích lên được, 2 nữ sinh đi chiếc xe ga cố chen lấn để vượt qua đường. Chứng kiến cảnh này, nhiều người "chướng" mắt thể hiện sự bất bình thì lập tức nhận được sự phản kháng từ 2 nữ sinh này. Rồi vô tình chiếc xe mất lái, lật sang bên va phải một người lớn tuổi khiến cả 2 xe cùng đổ xuống. Sau khi lóp ngóp đứng dậy, người đàn ông từ tốn nói với 2 nữ sinh: "Đường đã tắc, tay lái lại yếu, các cô cố sang đường làm gì". Nghe ông nói vậy, chẳng một lời xin lỗi theo lẽ thường, 2 nữ sinh vẫn tiếp tục chen lấn để thực hiện được việc của mình. Sau khi chứng kiến cảnh này, không ít người lắc đầu. Câu chuyện vừa kể không phải là cá biệt và vẫn xảy rất nhiều trên đường.Có người đã đi tìm nguyên nhân cho câu hỏi vì sao việc tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường với người trẻ lại quá khó đến vậy. Một trong những câu trả lời cũng nằm ngay ở cách ứng xử với giao thông của chính những người lớn tuổi. Không ít người hay phê phán các hành vi vi phạm giao thông của giới trẻ, hay cho rằng do nhà trường không tăng cường giáo dục về văn hóa giao thông cho các em. Nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, ở trường, các em luôn được giáo dục ý thức kỷ luật, nhưng ra đến xã hội, không thấy mấy ai có ý thức, thành ra giáo dục nhà trường trở nên vô ích. Các em ở trường nhiều lắm là từ 5 - 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, toàn bộ thời gian còn lại sống với gia đình và xã hội. Vì vậy, giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn. 

Một người đàn ông đã kể câu chuyện của mình như một bài học nhỏ trong cách ứng xử với giao thông. Mỗi khi đưa cậu con trai đi học qua ngã tư, thấy đường vắng, dù đèn đỏ thì ông vẫn vượt. Đứa bé lập tức nhắc: "Sao bố lại vượt đèn đỏ, ở trường cô giáo dạy rằng "đèn đỏ dừng lại, đèn vàng chuẩn bị, đèn xanh mới đi" mà". Ông vội lấp liếm: "Tại bố nhìn nhầm". Một lần, hai lần…, lần nào thấy bố đi sai, đứa bé cũng "thắc mắc". Không thể cứ nói quanh co với con mãi, và chính ông cũng cảm thấy xấu hổ với hành vi của mình. Từ đó, dù có con ngồi sau hay đi một mình, ông đều chấp hành rất tốt quy định giao thông. Mỗi lần dừng xe ở ngã tư, dù đường vắng hay đông, lời của đứa con vẫn khiến ông dừng lại và mỉm cười. Chính thái độ tích cực của ông đã ảnh hưởng đến con, tạo cho con một thói quen rất tốt khi lớn lên.

 Thế mới thấy rằng, không quá khó để tạo thành một thói quen, một "phong cách ứng xử đẹp" với giao thông, nếu mỗi người đều có ý thức giáo dục con trẻ từ trong gia đình, sau nữa mới là nhà trường. Xây dựng văn hóa giao thông chính là góp phần giáo dục văn hóa, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.