Tiếp sức kịp thời
Gia đình bà Lê Thị Quyết là một trong những hộ khó khăn nhất của xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Chồng bà Quyết thường xuyên đau ốm, thu nhập của cả gia đình 4 người và chi phí nuôi con ăn học chỉ trông chờ vào mấy sào lúa cùng tiền công làm thuê ít ỏi nên rất bấp bênh.
Chia sẻ niềm vui khi được Trung tâm trao tặng một con bò sinh sản để phát triển sản xuất, bà Quyết cho hay: “Nhận được bò tôi mừng lắm, tôi sẽ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm một con bò nữa để tận dụng công chăn. Đây là động lực để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.
Không chỉ có hộ bà Quyết, 26 hộ nghèo khác của xã An Phú cũng được Trung tâm hỗ trợ bò sinh sản đợt này. Bò trong độ tuổi 10 - 12 tháng, trọng lượng trung bình 180kg, được tiêm phòng vaccine lở mồm long móng, tụ huyết trùng đầy đủ.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ các hộ nuôi thức ăn hỗn hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Nhằm động viên kịp thời các hộ nghèo, Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức và Công ty Giống gia súc Hà Nội cũng hỗ trợ thêm mỗi hộ 4 triệu đồng.
"Sức lan tỏa của mô hình không chỉ giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của TP, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tuy nhiên, triển khai mô hình năm 2019, việc thu nộp kinh phí đối ứng 30% đối với các hộ nghèo là rất khó khăn. Do đó, Sở đề nghị UBND các huyện, các cơ quan, đoàn thể của địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại |
Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Văn Hoán cho hay, các hộ nhận nuôi bò đều vui mừng, tích cực chăm sóc bò theo đúng quy trình kỹ thuật. Để mô hình hỗ trợ bò sinh sản đạt hiệu quả, xã đã rà soát các đối tượng hộ nghèo đồng thời yêu cầu các hộ cam kết nuôi bò sinh sản từ 3 con bê trở lên mới được bán hoặc chuyển giao.
Lợi ích thiết thực
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình ở các xã miền núi có thêm sinh kế thoát nghèo. Tiếp nối thành công và ý nghĩa của mô hình đã triển khai trong 2 năm 2017 và 2018, năm nay, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ 80 con bò cho 80 hộ nghèo ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất), xã Minh Quang (huyện Ba Vì) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức). Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo tại các xã dân tộc miền núi, các hộ có điều kiện chăn nuôi bò sinh sản tại các xã chăn nuôi bò trọng điểm theo quy hoạch của TP.
Từ công tác chọn điểm, chọn hộ đến tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật đều được Trung tâm thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Cùng với đó, phân công cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên cơ sở thường xuyên theo dõi, bám sát mô hình, hướng dẫn hộ chăm sóc, quản lý, ghi chép sổ nhật ký, cách phòng bệnh cho bò.
“Với lợi thế đất đai, nguồn cỏ dồi dào nên các hộ không tốn kém chi phí trong quá trình nuôi dưỡng và phát triển đàn bò thuận lợi. Theo giá thị trường hiện nay, bê con 6 - 7 tháng tuổi có thể bán được trên dưới 10 triệu đồng/con, là nguồn thu nhập khá cho hộ nghèo” – bà Hương nhấn mạnh.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản còn giúp các gia đình gắn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống. Những hộ làm nghề xây dựng ở địa phương còn giúp các hộ khác đổ bê tông nền, xây chuồng nuôi.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai khẳng định, hiệu quả lớn nhất mà mô hình mang lại là tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo. Đây là tài sản, tư liệu sản xuất để người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của An Phú – nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao tốp đầu TP.