Các hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp, thương mại nội địa cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa qua 3 tháng đầu năm khi có dịch Covid-19, có thể thấy, hầu như tất cả các ngành kinh tế trong nước đều bị tác động. Trong đó có nhiều ngành công nghiệp quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề, như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…
Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, tình hình dịch bệnh ở EU và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành dệt may, da giày của Việt Nam, tác động tới việc làm của hơn 4 triệu lao động trực tiếp và cũng khoảng hơn 4 triệu lao động gián tiếp của các ngành này. Theo dự báo, các đơn hàng trong lĩnh vực điện tử tháng 4 và các tháng tiếp theo cũng giảm sút đáng kể.
Ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã có nhiều cửa hàng, đại lý đóng cửa, 1 số nhà máy hoạt động cầm chừng… Mặc dù đã có những kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, song trước bối cảnh dịch Covid-19 tác động, diễn biến khó lường và thực tế doanh nghiệp khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.
“Nhà nước cần có những khoản hỗ trợ trực tiếp, bởi bản thân các ngân hàng thương mại nguồn lực không thể thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp tiếp cận khó khan thậm chí không tiếp cận được. Việc hỗ trợ về tiền thuê đất đai quá ngắn. Do vậy, cần có ngay sự hỗ trợ cho doanh nghiệp về tín dụng trực tiếp, ít nhất là các khoản vay hiện hữu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Tăng cường đầu tư công, qua đó qua đó tiêu thụ đc sắt thép, đồ gỗ… các sản phẩm của ngành công nghiệp” - ông Hoài nói.
Đánh giá lại tình hình cung - cầu hàng hóa, thị trường trong nước với việc cung ứng các sản phẩm nội nhu, thiết yếu trong thời gian dịch bệnh vừa qua, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng vai trò của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ được thể hiện trong việc đồng hành cùng Nhà nước, về cơ bản không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá…
Thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian cách ly đã tác động mạnh tới các ngành dịch vụ, du lịch, làm cho thu nhập của người lao động cũng như tiêu thụ nội địa giảm, qua đó đã giảm chi tiêu, tiêu dùng cá nhân.
Để đẩy mạnh thị trường trong nước trong trạng thái “bình thường mới”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị: Phải thực hiện tốt 3 vấn đề của thị trường đó là: đảm bảo đầy đủ cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tận dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh liên kết trong trạng thái mới.
Thông qua 6 giải pháp cấp bách và 8 yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc kết nối cung - cầu, tăng cường đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản vào các hệ thống phân phối; đẩy mạnh quảng bá để giúp tiêu dùng nông sản Việt; phát triển hạ tầng thương mại, tạo thuận lợi để kích thích tiêu dùng; tăng cường bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp…
Các ngành công nghiệp quan trọng và có vai trò lớn, bao gồm: Dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản… phải là được ưu tiên hàng đầu trong hỗ trợ khôi phục sản xuất. |
“Dù trong trạng thái “bình thường mới” nhưng trong mọi trường hợp cùng phải đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu cần được hỗ trợ kịp thời và tránh xảy ra đứt gãy trong quá trình cung ứng. Đây vẫn được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các giai đoạn. Tiếp đến là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả ngay cho các doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực phân phối trong giai đoạn sau dịch này để vượt qua khó khăn tiếp tục phục vụ thị trường và quan trọng nhất là phải dần đạt được mức tăng trưởng như trước khi dịch bệnh xảy ra” - ông Đông nêu rõ.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, dịch covid-19 đã diễn biến phức tạp ở hơn 210 quốc gia trên thế giới. Nguy cơ cả 10 nền kinh tế lớn nhất của thế giới đều là những “tâm dịch”, ảnh hưởng rất lớn tới cả tính mạng con người và tăng trưởng kinh tế. Đến nay, vẫn chưa có những đánh giá về đỉnh điểm của dịch, khó dự báo về khả năng kéo dài của dịch bệnh.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải chỉ ra được những điều kiện nào cho ngành công nghiệp hoạt động lại trong trạng thái “bình thường mới” tiến đến khôi phục lại sản xuất như thời điểm trước dịch
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị quản lý phải làm việc ngay với các hiệp hội ngành hàng để nắm được cụ thể các số liệu: Có bao nhiêu doanh nghiệp phải giãn thợ, bao nhiêu doanh nghiệp mất thị trường… và với những doanh nghiệp khi trở lại sản xuất trong bối cảnh mới này thì họ cần hỗ trợ những gì, cụ thể như thế nào…
“Mục tiêu rất quan trọng là phải xây dựng được một kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng để đưa nền kinh tế trở lại bình thường cũng như phấn đấu các mục tiêu phát triển của năm 2020. Riêng về công tác khơi thông thị trường thì sẽ giao nhiệm vụ và các kế hoạch cụ thể cho các đơn vị chức năng để đánh giá lại cáccơ hội cũng như các dư địa của thị trường, kể cả thị trường trong nước và ngoài nước.
Vấn đề về tiêu thụ sản phẩm của các ngành sản xuất, các ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng và có vai trò lớn, bao gồm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản… phải được ưu tiên hàng đầu” - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói.