Đây là cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội trên cơ sở vận dụng các quy định hiện có về môi trường và các văn bản pháp lý có liên quan, bởi chưa có tỉnh, TP nào thực hiện.
Đáp ứng được lòng dânNgười dân thuộc xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) nhiều năm qua đã quen với cảnh “sống chung với rác”. Theo Bí thư Chi bộ thôn Tam Sơn (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) Nguyễn Anh Tuấn, nhà máy xử lý chất thải (XLCT) Xuân Sơn đã quá tải gần chục năm nay. Hiện có khoảng hơn 1.000 tấn rác đổ vào mỗi ngày, ngày quá tải thì phải lên đến gần 2.000 tấn, cuộc sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng không nhỏ…
|
Khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho người dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tại xã Nam Sơn và Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn. Ảnh: Chiến Công |
Chính vì thế, việc HĐND TP dự kiến ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ cho người dân vùng ảnh hưởng môi trường trên địa bàn TP đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Đây cũng là Nghị quyết thể hiện sự linh hoạt của chính quyền TP, bởi Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993) và Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) chưa quy định cụ thể chính sách hỗ trợ thường xuyên cho người dân sinh sống trong các vùng bị ô nhiễm, mới chỉ có quy định đền bù một lần cho người dân khi xảy ra sự cố môi trường. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ các đối tượng được hưởng mức hỗ trợ và phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường. Nguồn kinh phí được chi trả từ ngân sách của các huyện, thị xã nơi có khu XLCT.
Đề xuất nâng mức hỗ trợViệc hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề tác động nhiều đến tư tưởng, đời sống, lợi ích của người dân nên còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, trong tháng 6/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức đi khảo sát thực tế để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của người dân vùng bị ảnh hưởng xung quanh 2 khu XLCT Nam Sơn và Xuân Sơn. Ngay sau đó, MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị PBXH đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về vấn đề này để tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương có người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường.
"Trước mắt, cần đáp ứng ngay những nhu cầu chính đáng của người dân, di dời những hộ trong vùng bị ảnh hưởng nặng, định kỳ khám sức khỏe, phải thanh toán 100% thẻ BHYT, cung cấp đủ nước sạch, nâng mức hỗ trợ tạm thời gấp 2 lần hiện tại. Về lâu dài, cần xây dựng những khu xử lý rác thải sử dụng công nghệ hiện đại." - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo |
Các đại biểu đều cho rằng mức hỗ trợ mà Nghị quyết đề ra còn thấp, chưa bù đắp thỏa đáng những thiệt thòi của người dân vùng bị ảnh hưởng môi trường. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong, mức hỗ trợ của những người dân sinh sống, sản xuất, canh tác ở đó phải nâng lên so với những người lao động ở nơi khác đến. Ông Phong đề xuất nên có quan trắc khảo sát thực tế môi trường để có căn cứ thực hiện hỗ trợ, đầu tư các công trình phúc lợi và thực hiện chính sách đồng bộ đối với người dân vùng bị ảnh hưởng.
Là địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề của môi trường từ rác thải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn Trương Văn Nhung nhận định, khoảng 3 – 4 km cách bãi rác Nam Sơn nguồn nước cũng bị thẩm thấu và không thể dùng được. Vì vậy, mức độ hỗ trợ như hiện nay là chưa phù hợp với những gì người dân khu vực bãi rác đang phải gánh chịu. Đồng thời, đề nghị TP có cơ chế di dời, thành lập khu tái định cư mới để người dân sinh sống, chú trọng đến mô hình sản xuất sạch, các công trình hạ tầng như đường giao thông, làm hệ thống rãnh gom nước theo tiêu chuẩn thoát nước bề mặt…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Vũ Hồng Khanh đề nghị, Sở TNMT Hà Nội cần phối hợp với các sở, ngành liên quan cân nhắc, tính toán để nâng mức hỗ trợ sao cho phù hợp. Người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường kỳ vọng, Nghị quyết của HĐND TP được đưa ra trong kỳ họp sắp tới sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân, giải quyết phần nào bức xúc dân sinh.