Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản: Quan trọng là rào cản pháp lý

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đã có những đề nghị Chính phủ hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Khó khăn có phải là do dịch Covid-19?
Giữa tháng 3/2020, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN BĐS ứng phó và vượt qua khó khăn do đại dịch Covid 19. Trong đó, đề nghị bổ sung DN BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3 - 6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các DN, trong đó có DN BĐS.
 Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.  Ảnh: Minh Long
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…). Xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi. Trước đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng có những đề nghị hỗ trợ DN nói chung và DN BĐS nói riêng để tránh những đổ vỡ của DN BĐS.
Một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho rằng, khó khăn của DN BĐS đã xuất hiện từ năm 2018 và xuyên suốt cả năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Tại TP Hồ Chí Minh, khó khăn của DN BĐS thời gian qua chủ yếu là xuất từ các vấn đề pháp lý liên quan đến đất công. Gần như toàn bộ các dự án đã bị đình hoãn vì phải chờ hướng xử lý từ cấp vĩ mô. Hậu quả là thị trường gần như không có dự án mới, chi phí đầu từ vào một dự án BĐS sẽ tăng lên do phải trả lãi ngân hàng, chi phí nuôi bộ máy nhân lực ngành BĐS...
Khơi thông thị trường bằng chính sách
Anh Phan Huy - một nhà đầu tư BĐS khá thành công, đồng thời là một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho rằng: “Thị trường BĐS hiện nay có những vấn đề quan trọng cần khơi thông hơn là các gói hỗ trợ. Vai trò của Nhà nước là tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, ổn định lâu dài, nhất quán. Đây là môi trường cho DN hoạt động hiệu quả, là cách hỗ trợ tốt nhất chứ không phải là những “con cá” cụ thể.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, hiếm có ngành nghề nào nhận được sự quan tâm nhiều như ngành BĐS. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, UBND TP đã tổ chức gặp và đối thoại với DN, giải quyết được khá nhiều vấn đề trong thẩm quyền của TP.
“Tôi thấy TP phản ứng khá nhanh trước các vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường BĐS. Một loạt các dự án của Novaland đã được TP chỉ đạo rất nhanh, 7 dự án của Novaland trên địa bàn quận Phú Nhuận đã bị ngưng chuyển dịch trong một thời gian, gây rúng động thị trường… chỉ sau một thời gian đã được TP chỉ đạo xử lý. Đây chính là những hỗ trợ quý giá, giá trị hơn rất nhiều so với những gói hỗ trợ tính bằng tiền” – anh Phan Huy chia sẻ.
Theo các chuyên gia, cần ưu tiên tháo gỡ vướng mắc phổ biến nhất hiện nay về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có một phần là đất công (đất kênh rạch, đường giao thông). Một dự án có thể bị ách tắc vài năm nếu có dính một tỷ lệ nhỏ đất công. Hiện nay, xử lý phần đất này theo quy định là phải đấu giá nhưng đấu giá thì không khả thi nên gần như tất cả các dự án phải dừng lại. Gỡ được vướng mắc này là có thể hạ thấp được giá thành nhà đất rất nhiều. Đây mới là cách hỗ trợ hiệu quả, bền vững cho DN BĐS.