Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực hơn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nên có những chuyển đổi tích cực cấu trúc tổ chức theo hướng đổi mới sát thực tế, phân loại theo ngành để hỗ trợ DN, cũng như củng cố, nâng cao vai trò của các hiệp hội DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân đang và sẽ là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế trên phạm vi quốc gia, quốc tế… Đó là nhìn nhận của Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse về thực trạng công tác chỉ đạo hoạt động, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất nồi trong nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. Ảnh: Khắc Kiên
Tăng nguồn cán bộ từ doanh nghiệp

Đánh giá về cấu trúc tổ chức, ông Nguyễn Xuân Phú chỉ ra, trước đây, trong bối cảnh nền kinh tế bao cấp, đa số là các DN do Nhà nước sở hữu, thường cán bộ DN sau này chính là người tham gia công tác lãnh đạo tại các sở, ban, ngành nên họ rất hiểu về DN. Nhưng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với yêu cầu cổ phần hóa, DN Nhà nước còn rất ít. Cán bộ quản lý chưa hiểu sâu sắc về DN, về cách cạnh tranh của DN trên thương trường thì khó đề ra những chính sách hỗ trợ thiết thực. Tại Việt Nam, dù có các hiệp hội DN song đa số chưa hoạt động đúng vai trò, dẫn đến không đóng góp, hỗ trợ được nhiều cho DN. Do vậy, các DN rất ngại tham gia hiệp hội do không được hưởng lợi gì.

Thực tế đã cho thấy, cơ chế, thể chế, nguồn cán bộ không phát triển từ thực tiễn thì khó mà hiểu DN. Đơn cử, lãnh đạo Sở Du lịch phát triển từ cán bộ DN lữ hành sẽ hiểu quy trình vận hành, có gặp khó khăn, cạnh tranh gì. Phần này rất quan trọng, nếu không đổi mới có thể sẽ tách rời giữa khối quản lý Nhà nước và DN, chính sách đưa ra không thể sát và kịp thời. “Thay đổi thể chế kinh tế buộc phải thay đổi cách vận hành tổ chức xã hội và quản lý Nhà nước để phù hợp thực tế, nhưng vấn đề này chưa được đề cập, chú trọng” – vị này nói.

Phân loại để hỗ trợ

Liên quan đến hỗ trợ DN, TP Hà Nội nên phân loại DN theo nhóm và có phân tích năng lực cạnh tranh của DN với những đối thủ. Đơn cử, Trung Quốc là điển hình của việc Nhà nước đứng sau DN, ngay chính sách hoàn thuế VAT là 17% nhưng khi xuất khẩu hoàn lại cả, trong thuế đầu vào chỉ 5 – 7% vô hình chung DN đã được hưởng lợi 10 – 12%. Đó là lý do không có nền kinh tế nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc vì họ lấy hơn tỷ dân để hỗ trợ, nghĩa là người dân phải mua hàng cao tới 17%, Nhà nước lấy một phần ra để hỗ trợ. Hay DN nào xuất khẩu sang Indonesia xin giấy chứng nhận ATTP, kiểm định chất lượng mất 3 tháng, nhưng sau 6 tháng phải xin lại, như vậy hàng hóa nước ngoài cực kỳ khó vào.

Sau một loạt dẫn dụ, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh thêm, phải chia theo ngành nghề để có rào cản cụ thể và phải nghĩ ra cách hỗ trợ DN trong nước, người xây dựng chính sách phải am hiểu DN, đi lên từ DN mới có thể ban hành chính sách sát với thực tế của DN. Vậy nên cần cân nhắc nguồn cán bộ đi lên từ DN, hoặc khuyến khích hiệp hội đóng góp cùng xây dựng chính sách. Nên định hướng ngành nào là ngành trọng tâm cần ưu tiên, ngành nào không ưu tiên để các DN nắm bắt và định hướng theo. Có vậy mới tạo ra thế mạnh và hình thành các DN đầu tàu.
Nên chủ trương tăng vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong thực hiện một số chức năng tổ chức và hỗ trợ DN, nhất là phối hợp với các cơ quan chức năng của Thủ đô và T.Ư, các địa phương khác trong việc nghiên cứu triển khai một số chương trình hỗ trợ DN về tạo sản phẩm mới; ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, thiết bị; ứng dụng CNTT, áp dụng ISO trong quản lý, điều hành DN…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú