Lập sàn giao dịch cho người khuyết tật
Nhiều NKT bị khiếm khuyết một phần cơ thể luôn mang trong mình nỗi mặc cảm, sống khép mình với thế giới bên ngoài. Đó cũng là một trong những lý do khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, toàn TP có 98.792 NKT, trong đó có 13.264 người thuộc hộ nghèo. Để giúp họ không bị phụ thuộc vào gia đình cũng như xóa bỏ rào cản về mặt tâm lý, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ các các phiên giao dịch việc làm lồng ghép cho lao động là NKT. Tính đến tháng 10 năm nay, Trung tâm tổ chức được 4 phiên lồng ghép tại sàn giao dịch việc làm chính ở 215 phố Trung Kính và 6 phiên lưu động tại các quận, huyện. Ở đó đã có 320 DN tham gia tuyển dụng lao động là NKT và 1.073 NKT tham gia ứng tuyển. Với sự hỗ trợ này, trong năm 2016 đã có 345 NKT được giới thiệu việc làm và 109 NKT được giới thiệu học nghề.
Theo bà Liễu, những công việc mà NKT tham gia ứng tuyển đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và điều kiện đi lại, ví dụ như may cờ, thêu tay, đan bó chổi chít, làm các sản phẩm lưu niệm... Thu nhập của NKT được các DN trả theo sản phẩm làm ra, đó cũng là cách góp phần khuyến khích, động viên họ làm việc. Với nhiều NKT, đến sàn giao dịch việc làm ứng tuyển và trả lời phỏng vấn là cả vấn đề, thậm chí phải vượt lên chính mình. “NKT có những hạn chế nhất định, nhưng điều họ thiếu nhất chính là sự tự tin. NKT luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm, cho nên khi Trung tâm mời gọi họ tham gia phiên giao dịch việc làm đều có tư vấn về tâm lý nhằm tạo ra sự hòa nhập, bình đẳng với những lao động bình thường khác” – Trưởng phòng Tư vấn lao động Vũ Đức Thắng chia sẻ. Không những thế, Trung tâm còn bố trí phòng phục hồi chức năng để NKT đến phiên giao dịch được luyện tập, bác sĩ khám sức khỏe và tư vấn làm công việc phù hợp. Cán bộ Trung tâm còn tư vấn cho người thân của NKT để họ động viên, khuyến khích người thân cố gắng hết sức để được DN chấp nhận vào làm việc.
Tự tin tìm việc, học nghề
“Theo dõi các phiên giao dịch việc làm cho NKT, chúng tôi thấy, càng ngày người lao động khuyết tật càng phấn khởi, vui vẻ trả lời phỏng vấn. Thậm chí họ tham gia biểu diễn văn nghệ tại Trung tâm rất say sưa” – bà Liễu cho hay. Ông Thắng cũng cho biết, NKT cảm thấy rất tự tin, thể hiện ở việc tự đi tìm kiếm thông tin mà các DN tuyển dụng. Khi đã vượt qua rào cản tâm lý, họ không chỉ tìm kiếm vị trí việc làm mà DN tuyển dụng NKT mà cho cả người lao động bình thường.
Trong năm nay, thực hiện công tác dạy nghề cho NKT của TP, Trung tâm tổ chức lớp dạy nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại xã Thạch Bàn, huyện Mê Linh cho 40 lao động. Có những NKT bị thiếu một tay, bị cụt chân, bị khiếm thính, khiếm thị, trí tuệ không minh mẫn, liệt nửa người nhưng vẫn tích cực tham gia đầy đủ các buổi học. Tất nhiên, NKT không thể tiếp thu bài giảng như người bình thường, nên giáo viên đứng lớp cố gắng giảng bài rất chậm, kỹ giúp họ hiểu và nắm được nội dung công thức cũng như cách chế biến từng món ăn. Các món ăn trong chương trình dạy cho NKT thường đơn giản; những món khó, giáo viên cố gắng truyền đạt để họ nắm được khoảng 80% bài học. Ví dụ, đối với món phở gà, NKT biết được cách sử dụng gia vị, nhiệt độ, phương pháp chế biến. “Tham gia lớp học, NKT biết cách chế biến món ăn gia đình có dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. 60 – 70% NKT có ý định tự tạo việc làm cho mình bằng cách bán bánh mỳ pate, thịt xiên nướng…” – giáo viên dạy Kỹ thuật chế biến món ăn Mai Chung Chiển thông tin.
Giúp lao động là NKT đến tham gia các phiên giao dịch việc làm nhiều hơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên phối hợp với hội NKT các quận, huyện đưa hội viên đến tham gia các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm cũng như tại địa phương. Để tỷ lệ NKT có việc làm cao, khi hồ sơ của NKT được gửi đến, Trung tâm kiểm tra họ bị khuyết tật ở dạng gì, trình độ, sức khỏe để tư vấn công việc cho phù hợp. Tất nhiên, nơi NKT làm việc cũng phải gần nhà để thuận tiện đi lại và giảm chi phí, song điều quan trọng nhất là NKT tự tin vượt lên chính mình.