Theo thông báo kết luận, việc ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân là cần thiết nhằm góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, đây cũng là một trong những nhiệm vụ Chính phủ được giao trong Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Để thực hiện hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn các dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2015.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án trong tháng 5/2015, trong đó bổ sung các dự án hạ tầng kinh tế xã hội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, kế hoạch thực hiện dự án Điện hạt nhân...
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo đại học và trên đại học, nhất là các nghề liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đối với học sinh, sinh viên Ninh Thuận.
Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ quy mô 500 giường bệnh lên quy mô khoảng 1.000 giường với hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh đồng bộ, hiện đại phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và đội ngũ chuyên gia đến sinh sống và làm việc trong quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải ưu tiên vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông vận tải do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và quản lý hệ thống giao thông địa bàn tỉnh, đồng bộ với các công trình do Trung ương đầu tư, đáp ứng yêu cầu vận tải cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; phối hợp với EVN nghiên cứu xây dựng các cảng chuyên dùng của các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, kết hợp với cảng hàng hóa trong thời gian thi công, cũng như sau khi hoàn thành xây dựng các Nhà máy.
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015; trong đó báo cáo kinh nghiệm của các nước có nhà máy điện hạt nhân, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của Dự án trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành xây dựng các phương án tài chính cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó đề xuất tỷ lệ trích từ doanh thu bán điện của các Nhà máy điện hạt nhân cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân./.
Ảnh minh họa.
|