Chương trình này nhằm nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi của cộng đồng, phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ về kiến thức, kỹ năng di cư an toàn; hoạt động cụ thể để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình hòa nhập cộng đồng bền vững.
Toàn cảnh chương trình. |
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 lao động, trong đó có 14.912 lao động nữ. Khảo sát nhanh của Hội LHPN TP Hà Nội năm 2020 cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có 452 phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài; 88 phụ nữ di cư hồi hương.
Theo đánh giá của tổ chức Di cư quốc tế IOM tại Hội thảo “Kết nối mang lưới–Lan tỏa yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đầu năm 2021, Việt Nam đang là nước có số phụ nữ có tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài cao, cô dâu Việt Nam cũng có tỷ lệ cao thứ 2 trong việc nộp đơn ly hôn; tỷ lệ ly hôn trung bình khoảng 30%.
Khi hôn nhân đổ vỡ, một số cô dâu Việt trở về quê hương đã gặp phải nhiều khó khăn trong tái hòa nhập với cộng đồng do bị kỳ thị, không có việc làm, tình trạng pháp lý hỗn nhân không rõ ràng với tỷ lệ thống kê cứ 10 phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài thì có 3 người chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Nhiều trẻ em được sinh ra từ những cuộc hôn nhân đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, giáo dục...
Thực tế trên đòi hỏi nếu không có sự hỗ trợ tái hòa nhập kịp thời, nhiều phụ nữ di cư hồi hương sẽ tiếp tục phải chịu tổn thương, khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, phụ nữ là nạn nhân của tội phạm buôn bán người còn phải chịu sang chấn tâm lý, sức khỏe tinh thần nặng nề.
Để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ di cư hồi hương, Hội LHPN TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch; tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của cộng đồng về kiến thức, kỹ năng di cư an toàn; tổ chức hoạt động cụ thể để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ hòa nhập cộng đồng bền vững. Đồng thời truyền thông, quảng bá về Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) cung cấp tới các cán bộ, hội viên, người dân, phụ nữ di cư hồi hương và gia đình.
Nhìn từ góc độ pháp lý, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp luật, trong đó có pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phong tục, tập quán của vùng miền, nước mà người nước ngoài sinh sống; có những biện pháp hữu hiệu để xác minh nhân thân, địa chỉ, hoàn cảnh của người nước ngoài mà phụ nữ có ý định kết hôn. Khi giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài cần nhanh chóng, toàn diện, bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Đồng thời chú trọng và thực hiện triệt để các quy định trong các hiệp định tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tại chương trình, các đại biểu, diễn giả đã thảo luận, chia sẻ, trao đổi các thông tin, tình hình về phụ nữ di cư hồi hương và công tác tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn thành phố; tham mưu, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các chính sách để có thể hỗ trợ toàn diện phụ nữ di cư hồi hương.
Thời gian tới, Hội LHPN TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động truyền thông tại các huyện Đan Phượng, Đông Anh và quận Hà Đông.