Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hòa Bình, Tân Lạc có diện tích tự nhiên hơn 520 km², trong đó khoảng 80% là rừng núi, đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,2%. Vì vậy, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, từ khi triển khai Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện Tân Lạc đã góp phần tích cực trong định hướng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và chi, tổ hội nghề nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng cao, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Theo UBND huyện Tân Lạc, giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn huyện có 24 hợp tác xã được thành lập mới. Đến nay, toàn huyện có 69 hợp tác xã và 59 tổ hợp tác đang hoạt động. Trong đó, 35 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 8 hợp tác xã phi nông nghiệp; 59 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Các hợp tác xã có 449 thành viên, 583 lao động, tổng vốn hoạt động 128,7 tỷ đồng, tổng doanh thu ước đạt 37 tỷ đồng/năm; bình quân doanh thu 650 triệu đồng/hợp tác xã/năm, lợi nhuận 230 triệu đồng.
Điển hình là nghề nuôi ong tại xã Tử Nê. Trước đây, nghề này chỉ mang tính tự phát, manh mún trong các gia đình, nhưng thông qua Chương trình FFF II, tổ hợp tác trồng rừng và nuôi ong Mường Cú ở xóm Cú đã phát huy được hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên nhờ các mô hình liên kết sản xuất. Trong chương trình, các thành viên được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi ong, nâng cao năng lực, tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính. Mỗi năm, bình quân mỗi thành viên thu nhập trên 22 triệu đồng từ nuôi ong dưới tán rừng. Sản phẩm mật ong của tổ hợp tác được chọn là một trong các sản phẩm để thực hiện Chương trình OCOP của địa phương.
Tại vùng cao Quyết Chiến, khu vực đỉnh núi cao nhất của huyện Tân Lạc với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm chẳng khác gì Tam Đảo. Trước đây, người dân xã Quyết Chiến chỉ gắn liền với cây ngô, cây lúa, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống cũng rất khó khăn. Nhưng từ khi thành lập hợp tác xã Quyết Chiến và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau su su, cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc.
Theo lãnh đạo huyện Tân Lạc, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện triển khai nhiều giải pháp cụ thể về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù và nguồn lao động dồi dào. Điều này đã tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Việc phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu được ưu tiên, gắn với phát triển dịch vụ - du lịch nông thôn.
Cùng với đó, huyện xây dựng thêm các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử. Các chủ thể cũng được hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và phát triển sản phẩm OCOP theo lợi thế đặc trưng của địa phương, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.