Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hóa giải căng thẳng ngoại tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vượt 20.000 đồng/USD, 20.500 và tiến sát ngưỡng 21.000 đồng/USD, tỷ giá đang là vấn đề nóng trên thị trường tiền tệ trong những ngày này.

KTĐT - Vượt 20.000 đồng/USD, 20.500 và tiến sát ngưỡng 21.000 đồng/USD, tỷ giá đang là vấn đề nóng trên thị trường tiền tệ trong những ngày này.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều phải thừa nhận tỷ giá đang có những diễn biến nóng, gây bất lợi không ít cho nền kinh tế và khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, sức nóng của thị trường tỷ giá tự do cũng đã lan tới các ngân hàng (NH) khi nhiều NHthương mại phải tăng giá mua lên kịch trần.


Trong gần 2 tháng qua, khi tỷ giá trên thị trường chợ đen nhích dần, các NHTM càng khó khăn hơn trong việc thu hút USD từ bên ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ, nguồn kiều hối chuyển về VN thông qua các NHTM cũng khó có thể nằm lại NH khi tỷ giá trên thị trường tự do hiện đã cao hơn tới 1.500 VND/USD so với giá niêm yết chính thức trong các NHTM. Các nguồn cung ngoại tệ truyền thống hiện cũng chưa có tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ. Dòng vốn gián tiếp vẫn ra vào ở mức cầm chừng do thị trường chứng khoán ảm đạm. Phòng phân tích ngoại tệ một NH quốc doanh vừa đưa ra nhận định về diễn biến giá vàng và ngoại tệ sau những biến động của thị trường vàng. Trong đó cũng cho rằng, với kỳ vọng tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn những tháng cuối năm nay, thị trường đang có xu hướng tăng việc găm giữ ngoại tệ và đánh cược vào khả năng NH Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá.


Cần phải thừa nhận rằng sự căng thẳng ngoại tệ hiện nay không thể không có yếu tố đầu cơ. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần NH Nhà nước tăng thêm cung USD cho thị trường, áp lực thiếu USD sẽ dịu tức thời… Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến cho nguồn ngoại tệ dự trữ bị ảnh hưởng cũng như gây ra những bất ổn trong chính sách quản lý.


Một biện pháp được cho là ít tốn kém nhất đó là tuyên truyền, động viên để hy vọng rằng các nhà xuất khẩu sẽ bán lại lượng ngoại tệ cho NH, góp phần làm giảm nhẹ tính căng thẳng ngoại tệ lại không dễ thực hiện. "Vấn đề mấu chốt là phải có mức tỷ giá hợp lý, linh hoạt sao cho đối tượng găm giữ ngoại tệ cảm thấy giữ cũng không có lợi", giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nói.


TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.P HCM, cho rằng, NHNN cần gỡ những chỗ nghẽn rồi mới "bơm". Giải quyết vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay không thể chỉ đơn giản bằng những biện pháp hành chính mà phải là các biện pháp kinh tế. Chỉ một chính sách tỷ giá để giải tỏa căng thẳng ngoại tệ hiện nay là chưa đủ. Hiện nay với chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng cũng là vấn đề, thay vào đó nó phải được điều chỉnh linh hoạt sao cho người dân tin vào tiền đồng, mặt khác nếu như chúng ta củng cố niềm tin cho thấy rằng lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát thì chênh lệnh tỉ giá giữa USD và tiền đồng thì người ta sẽ không giữ USD.


Cũng theo ông Lịch, NHNN cần điều hành phối kết hợp giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất sao cho có thể thiết lập lại trạng thái cân bằng trên hai thị trường tiền tệ và ngoại hối mà hiện nay đang bị lệch về phía thị trường ngoại hối.


Cũng lo ngại về tỷ giá trên thị trường tự do đang cao hơn với tỷ giá niêm yết chính thức song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa không quá bi quan về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm. Theo ông, trong ngắn hạn tỷ giá vẫn ổn định do đồng USD đang mất giá quá mạnh trên thị trường thế giới, Việt Nam nếu có muốn cũng không dễ làm mất giá tiền đồng hơn nữa. Kỳ vọng lạm phát hiện không còn lớn. Trong khi đó, dư chấn sau 3 lần điều chỉnh tỷ giá (từ tháng 11 năm ngoái đến nay, lên tới hơn 11%) vẫn còn kéo dài trong vài tháng tới. Đối với cán cân thanh toán và thương mại, thâm hụt vẫn nhỏ hơn thặng dư tài khoản vốn. Nói cách khác, thâm hụt thương mại có thể được giải quyết hoàn toàn bằng tiền gửi, đầu tư trực tiếp và chi tiêu của các dự án ODA. Theo ông Nghĩa, phá giá VND sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản mà chỉ làm cho thị trường kỳ vọng việc phá giá sẽ tiếp tục được thực hiện.

 

Giá vàng trong nướcchiều qua đã tăng vọt theo sự leo thang của USD. Tính đến 17 giờ 3/11, kim loại quý tiếp tục bật lên đỉnh cao nhất từ trước đến nay 33, 8 triệu đồng/lượng trong bối cảng giá thế giới gần như đứng yên.

 

Tại Hà Nội, đại diện một tiệm vàng trên đường Trần Nhân Tông cho biết, mặc dù giá vàng và USD tăng vọt nhưng trong ngày, số lượng vàng người dân mua vào là khá nhiều. Đến đầu giờ chiều, lượng mua vào của cửa hàng này chỉ có 400 lượng nhưng bán ra lên đến 700 lượng, nhiều hơn so với ngày trước đó. Với tình hình cung - cầu hiện tại của thị trường trong nước và sự biến động của tỷ giá thì giá vàng trong nước rất có thể chạm mốc 34 triệu đồng/lượng trong thời gian không xa.