Tôi nghe nói cây hoa mười giờ rất có giá trị trong chữa lành vết bỏng. Dù vết bỏng sâu đến đâu, do tác nhân gì, từ bỏng thép, bỏng lửa, bỏng nước sôi, cám lợn…sau khi được đắp cây hoa mười giờ giã nát đều khỏi ngay tức thì.
Xin hỏi thực hư của phương pháp dân gian này? Tôi cũng nghe nói đến việc sơ cứu bỏng bằng ngâm trong nước sạch, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, khi ngâm vết bỏng trong nước đều tạo nốt phỏng to, nếu vỡ ra thì rất đau rát. Vậy cách sơ cứu bỏng nào là tối ưu? Nguyễn Kiều Hằng (Thọ Xuân, Thanh Hoá)
TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia trả lời:
Khả năng lớn những người bị bỏng sử dụng bài thuốc từ cây hoa mười giờ khỏi được là do họ chỉ bị bỏng nhẹ, bỏng nông. Có thể, nhựa của cây làm vết bỏng dịu đi, nhưng để chữa bỏng thì không có cơ sở khoa học. Vì những vết bỏng nông, bỏng nhẹ thì dù không được chữa trị, không được đắp hay bôi bất cứ loại thuốc này thì cũng tự khỏi sau vài ngày. Còn nếu bỏng sâu, thì không một loại cây, lá nào sau đắp lại đem đến phép màu khỏi bỏng mà không cần can thiệp của thuốc, phẫu thuật…
Hơn nữa, khi bị bỏng, việc quan trọng nhất là khâu sơ cứu sớm để giảm nhiệt của tác nhân gây bỏng trên da, qua đó làm giảm độ nặng của vết bỏng. Thời gian sơ cứu vết bỏng được ví như thời gian vàng, có ý nghĩa quyết định tới mức độ nặng - nhẹ của bỏng cũng như thời gian điều trị sau này. Vì thế, kiếm các loại cây này, rồi giã nát, hay việc tìm kiếm các loại thuốc bôi tại chỗ đều không phải là cách tốt trong sơ cứu bỏng.
Việc quan trọng nhất khi bị bỏng không chỉ được các chuyên gia về bỏng của Việt Nam, mà các chuyên gia trên toàn thế giới đều khuyên, đó là: Ngay lập tức ngâm chỗ bỏng vào nước sạch, hoặc cho vết bỏng dưới dòng chảy của vòi nước liên tục từ 15 - 10 phút (nước máy, nước giếng khoan chứ không phải là nước lạnh, nước đá trong tủ lạnh) để giảm đau, hạ nhiệt độ của tác nhân gây bỏng và chống rối loạn vi tuần toàn tại chỗ để không hình thành nên các nốt phỏng. Việc ngâm vết bỏng vào nước sẽ giúp người bệnh đỡ rát nơi bỏng, vết bỏng đỡ sâu do nhiệt độ tác nhân gây bỏng nhanh chóng được hạ, làm mát. Sau đó, người bệnh nên dùng băng sạch băng ép nhẹ lại thì sẽ không bao giờ bị nốt phỏng bỏng. Cần lưu ý, những biện pháp sơ cứu trên phải được làm càng nhanh càng tốt sau bỏng để bệnh nhân thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, đặc biệt là giai đoạn sốc.
Với vết bỏng sâu, rộng nếu không điều trị toàn thân, như dùng thuốc bôi, thuốc uống, phẫu thuật… thì nguy cơ biến chứng sốc bỏng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy thận cấp, chảy máu tiêu hóa, suy nhiều tạng do bỏng...rất cao. Điều này để khẳng định thêm, nếu chỉ đắp lá như các bài thuốc dân gian từng đề cập sẽ không thể khỏi được vết bỏng sâu, rộng.
Còn với những vết bỏng nông, việc bác sĩ cho dùng thuốc bôi là vừa chống nhiễm khuẩn vết bỏng, vừa tạo điều kiện cho việc lên da non của vết bỏng. Nhưng cần khẳng định, thuốc bôi tại chỗ này chỉ có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình liền vết bỏng nông.
Lời khuyên tốt nhất với bệnh nhân bỏng là không nên tự ý dùng các thuốc điều trị vết bỏng khi chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chất của vết bỏng nông hay sâu. Mà khi bị bỏng, sơ cứu nhanh bằng nước sạch như hướng dẫn rồi nên tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết bỏng đúng cách