Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu:Tôi tự nhận mình là người con của xứ Mường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không thể định giá cho tình yêu và tâm huyết của một con người qua những tháng năm lặn lội và kỳ công tìm đường gìn giữ cho được những giá trị văn hóa Việt. Đó là nhận xét rất đúng đối với họa sĩ Vũ Đức Hiếu, người đã bỏ phố lên rừng để xây dựng một bảo tàng mà ở đó cuộc sống sinh hoạt và văn hóa của người Mường được tái hiện đầy đủ, rõ nét và sinh động.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu:Tôi tự nhận mình là người con của xứ Mường - Ảnh 1
 Bỏ phố lên rừng

Đến đất Hòa Bình, hỏi Bảo tàng văn hóa Mường, ai cũng biết đó là công trình tâm huyết của Hiếu "Mường". Cái tên ấy với anh hẳn là một món quà giá trị thay cho một lời khen?

- Tôi sinh ra tại Hà Nội, nhưng lại trưởng thành trên đất Mường, Hòa Bình. Có thể nói, đó chính là thời gian để tôi tiếp cận văn hóa Mường, với phong tục tập quán cũng như con người nơi đây. Khi bước chân vào ĐH Mỹ thuật Hà Nội và sau đó là ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, những tác phẩm về xứ Mường của tôi đã để lại ấn tượng cho thầy cô và bạn bè, cũng chính từ đó mà bạn bè thân thiết đã gọi tôi bằng cái tên Hiếu "Mường". Từ năm 2001 đến năm 2006, tôi làm Thư ký Tòa soạn cho Tạp chí Văn nghệ Công nhân. Tôi từng mở phòng trưng bày các tác phẩm hội họa tại Thủ đô, tham gia trưng bày tác phẩm tại Anh, HongKong, Singapore… Bỗng một ngày trở về với Hòa Bình, tôi nảy ra ý định sẽ xây dựng một bảo tàng về người Mường.

 Họa sĩ khi có điều kiện thường mở phòng tranh riêng để thể hiện khả năng cũng như sở trường của mình. Anh lại thành lập Bảo tàng Văn hóa Mường. Có nguyên nhân gì sâu xa hơn là sự "bỗng dưng" kia không?

- Tình yêu của tôi với xứ Mường có trong tâm thức từ khi nào tôi cũng không biết, nhưng có thể "mốc" là từ những đêm ngủ tại bản, uống rượu cần để nghe các già làng, các Mo Mường kể về sự tích khai sinh ra người Mường, tôi đã hiểu và yêu mến văn hóa Mường vô cùng. Nhưng cuộc sống hiện đại xâm nhập khiến cho những nét văn hóa ấy đang dần bị mai một. Từ đó, tôi chuyên tâm đi sưu tầm và cất giữ hiện vật với mong muốn gìn giữ một nét văn hóa độc đáo của Hòa Bình.

 

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu:Tôi tự nhận mình là người con của xứ Mường - Ảnh 2

 

Bỏ phố lên rừng, anh lang thang khắp Mường Bi, Vang, Thàng, Động để thẩm thấu những cái hay, cái lạ của văn hóa Mường - Hòa Bình. Cho đến giờ, anh đã xây dựng thành công bảo tàng của riêng mình?

- Quả thực ý nghĩ xây dựng một bảo tàng để lưu giữ văn hóa của người Mường đã có từ lâu. Suốt hơn 10 năm qua, tôi đến từng nhà người dân để sưu tầm từng đồ vật. Sau một thời gian, tôi đã có trong tay hơn 1.000 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị lớn, phần nào tái hiện được đầy đủ các mặt trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người Mường. Đó chính là lúc tôi bắt đầu xây dựng nhà trưng bày.

Cho đến nay, bảo tàng đã có khoảng 3.000 hiện vật từ những sản phẩm và công cụ của các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát, như: trỏ ổ (tức là cái bồ), Ớp (dùng để đựng rau hay để đồ khô), Màm (là cái giỏ đựng tôm, cua), Cạp (là cái rá)…, nhiều loại bẫy để bắt các loại chim, thú như Đách (bẫy gà rừng), Ngọ cắp (bẫy chuột trên núi). Những chiếc bẫy này được làm bằng tre, nứa, mây hay bằng gỗ nhẹ và dẻo. Ngoài những hiện vật của đời sống thường ngày, tôi cũng không quên sưu tầm những hiện vật thuộc về lĩnh vực văn hóa hay tâm linh như nhạc cụ dùng trong các lễ hội; các trò chơi dân gian, ma chay, mo, cưới xin, Tết... Ở phòng trưng bày, trước mỗi hiện vật, tôi ghi rõ tên, địa chỉ của người chủ của hiện vật đó để người đến xem có thể hiểu thêm về xuất xứ của chúng.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu:Tôi tự nhận mình là người con của xứ Mường - Ảnh 3

Đáp án của tình yêu

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của anh có diện tích 2ha. Trong quần thể của bảo tàng, anh cho xây dựng 4 ngôi nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp cơ bản của người Mường, tại sao anh lại có ý tưởng này?

- Ban đầu tôi chỉ sưu tầm đồ vật với suy nghĩ để trưng bày, nhưng sau đó, tôi thấy cách này không mấy khác biệt so với những bảo tàng hiện có nên tôi đã cho xây dựng 4 ngôi nhà  đại diện cho 4 tầng lớp cơ bản của người Mường, đó là: Nhà Lang (thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội Mường); nhà Âu (là tầng lớp giúp việc cho Lang); nhà Noóc (thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội Mường); nhà Noóc trọi (là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội Mường). Mỗi một ngôi nhà trong bảo tàng được bố trí theo đúng vị trí xã hội của chủ nhân nó trước kia. Nhưng khi khu nhà người Mường hoàn thiện, tôi nhận thấy bảo tàng cần có hơi ấm của cuộc sống con người nên đã mời 3 gia đình người Mường bản địa về ở trong khu nhà này. Bốn căn nhà này với 4 "số phận" khác nhau từ những người chủ đã từng sống đến việc vận chuyển, xây cất nó tại bảo tàng là những câu chuyện thú vị rất đáng nhớ đối với tôi.

Từ khi bắt tay xây dựng đến khi nên hình hài, Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã tổ chức thành công 2 hoạt động nghệ thuật "Kết nối nghệ thuật với cộng đồng" và "Sự kiện văn hóa Mường". Bên cạnh đó, tại đây còn diễn ra cuộc hội thảo "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình". Đó là câu trả lời xứng đáng cho bao nhiêu năm dài thầm lặng của anh?

- Có người nói tôi là người Kinh, làm sao có thể hiểu hết được văn hóa Mường. Nhưng từ lâu, tôi đã nhận mình là người con của xứ Mường và quyết tâm lưu giữ lại văn hóa Mường. Những hoạt động kể trên nhằm mục đích xây dựng và giới thiệu về bảo tàng đến những người yêu văn hóa nói chung và đặc biệt là văn hóa Mường - Hòa Bình. Có thể nói những gì tôi làm được không chỉ với mục đích cá nhân mà quan trọng hơn, tôi muốn góp phần lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị lâu bền của văn hóa Việt.

Xin cảm ơn anh!