Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài Đức trên đường phát triển

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phong trào thi đua phát triển chung của Hà Nội, huyện Hoài Đức đang nổi lên như một điểm sáng với nhiều thành tựu trong cả lĩnh vực kinh tế - xã hội lẫn văn hóa, giáo dục.

Chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế
Hoài Đức là huyện ngoại thành cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 16km, tổng diện tích đất tự nhiên 8.246 ha, dân số gần 21 vạn người, 20 đơn vị hành chính (gồm 19 xã và 1 thị trấn), là huyện có nhiều ngành nghề truyền thống, gần trung tâm Thủ đô, có các trục đường giao thông lớn chạy qua như QL32, Đại lộ Thăng Long… Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hoài Đức là một trong những đô thị trung tâm. Người dân nơi đây còn rất năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nên những năm qua huyện Hoài Đức có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - Xây dựng 45,84%; Thương mại - Dịch vụ: 47,24%; Nông nghiệp: 6,93%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm. Mười tháng đầu năm 2017 với sự cố gắng nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, các DN và toàn thể Nhân dân, kinh tế tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực đảm bảo tăng trưởng khá (tăng 11,9% so với cùng kỳ), thu ngân sách đạt 1.055 tỷ đồng (177% TP giao). Đến nay huyện cơ bản hoàn thành 14/16 chỉ tiêu pháp lệnh, dự kiến đến hết năm 2017 hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Anh Nguyễn Văn Hoàn (xã Đông La, Hoài Đức) cho biết: “So với mươi năm về trước, làng quê tôi bây giờ đổi khác lắm, thanh niên không còn chỉ biết cắm cúi với đồng ruộng nữa, mà đa phần chí thú với các ngành sản xuất công nghiệp và kinh doanh”.

Một góc khu đô thị mới Splendora tại huyện Hoài Đức.  Ảnh: Ngọc Hải

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết: “Dù có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang các ngành phi nông nghiệp nhưng huyện vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông thôn”. Minh chứng rõ ràng nhất, Hoài Đức vừa được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước với 19/19 xã đáp ứng toàn bộ các tiêu chí đề ra. Riêng 9 tháng năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hoài Đức đạt 1.149 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức thông tin thêm, hiện tại, huyện đã cải tạo, xây mới hơn 300km đường giao thông nông thôn, kết nối toàn bộ các xã và đảm bảo thông thương với khu vực lân cận. Ngoài ra, với lợi thế rất lớn là vị trí đắc địa, Hoài Đức đã tận dụng tối đa các trục giao thông lớn như QL32, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 4… để thúc đẩy hợp tác phát triển, giao thương, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển của Hà Nội và Vùng Thủ đô.

Tạo đà phát triển

Trưởng Ban QLDA huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến chia sẻ, song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những kỳ vọng lớn lao nhất của huyện như 100% người dân được dùng nước sạch; vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế… cũng đang dần thành hiện thực. “Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, chúng tôi đang triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch trên toàn địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến trong năm 2018, toàn bộ Nhân dân Hoài Đức sẽ có nước sạch sinh hoạt” - ông Nguyễn Văn Hiến thông tin.

Các nhiệm vụ liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hoạt động thông tin tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ được triển khai kịp thời, hiệu quả; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; các hoạt động triển khai thực hiện kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ được các ngành, các xã và toàn thể Nhân dân tham gia tích cực; thực hiện chỉnh trang cải tạo, xây dựng, sửa chữa công trình ghi công với 115 nhà cho người có công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ với số tiền huy động từ xã hội hóa đạt trên 7 tỷ đồng. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được tập trung chỉ đạo với tỷ lệ giải quyết đạt cao; việc triển khai “Năm kỷ cương hành chính” được nghiêm túc thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ.

Với những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Hoài Đức đạt được trong những năm qua, huyện được UBND TP tặng cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng lòng, vững bước

Chia sẻ về những kế hoạch dài hạn trong tương lai, ông Nguyễn Văn Hiến cho biết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoài Đức đã đồng lòng, nhất trí, xác định mục tiêu trong tương lai là trở thành một khu vực đô thị phát triển của Hà Nội. Hiện, vị trí địa lý của Hoài Đức đang trải dài qua các trục QL32, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; đặc biệt là nằm trên trục Hồ Tây - Ba Vì, được TP định hướng phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong tương lai. “Đó là lợi thế, là cơ hội để vươn lên nhưng cũng là thách thức đối với chúng tôi” - ông Hiến nhìn nhận.

Hoài Đức đã định hướng thu hút đầu tư, xây dựng các khu trung tâm thương mại, dịch vụ, không gian công cộng đô thị lớn, tập trung quanh khu vực QL32. Trong đó, chú trọng vào những điểm nhấn tạo động lực mạnh mẽ như Cảng nội địa ICD Mỹ Đình, quy mô 18ha (xã Đức Thượng); Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ven sông Đáy; nâng cấp bệnh viện huyện Hoài Đức lên loại I, đạt tiêu chuẩn 500 giường bệnh… Ngoài ra, hệ thống hạ tầng cho các khu đô thị mới trên địa bàn Hoài Đức cũng đang dần hoàn thiện, góp phần thu hút dân cư.

Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức nhìn nhận, huyện vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, cũng còn nhiều khó khăn cần được TP hỗ trợ, tháo gỡ. Nhưng điều đáng mừng, Hoài Đức luôn có được thế mạnh lớn nhất là sự gắn kết, tin tưởng giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên con đường hướng tới tương lai. Sức mạnh đoàn kết đó, cùng với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội sẽ giúp Hoài Đức sớm vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những khu vực đô thị phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội.q
Sáng 28/10, đoạn tuyến Vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với QL32 do UBND huyện Hoài Đức làm đại diện chủ đầu tư đã được khởi công. Đoạn tuyến dài 5,5km, mặt cắt rộng 60m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, đáp ứng tốc độ lưu thông 80km/giờ; dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đoạn tuyến có ý nghĩa chiến lược, kết nối 3 trục chính: QL32, Hồ Tây - Ba Vì, Đại lộ Thăng Long; và góp phần khép kín Vành đai 3,5, giảm tải mạnh mẽ cho Vành đai 3.