Trong khi rất nhiều người tỏ ra phớt lờ quy định cấm, không đi bộ đúng phần đường, thì tại không ít địa điểm, người dân lại đang phải ngày ngày đánh cược với tử thần mỗi khi đi bộ ra đường.
Người dân còn thờ ơ
Tuần lễ ATGT đường bộ được phát động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân, đồng thời cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) tiềm ẩn đi kèm với các hành vi vi phạm. Nhưng trên thực tế, không ít người vẫn tỏ ra hết sức thờ ơ với vấn đề này.
Thay vì đi cầu bộ hành ngay trước cổng trường Đại học Giao thông Vận tải gần đó, nhiều người vẫn “hiên ngang” vượt rào để sang đường.Ảnh: Nguyễn Tùng
Khu vực hồ Hoàn Kiếm vào mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều tối có rất đông người dân tới tập thể dục, vãn cảnh… dù các tuyến đường quanh hồ được bố trí khá nhiều điểm sang đường dành cho người đi bộ, nhưng dường như không mấy ai để tâm đến điều này. Thay vào đó, người đi bộ vẫn "hiên ngang" băng qua đường ở bất cứ vị trí nào. Không chỉ người dân mà rất nhiều học sinh, sinh viên cũng tỏ ra dửng dưng với việc chấp hành đi đúng vạch kẻ đường cho người đi bộ. Tại khu vực cổng các trường Đại học Bách khoa, Thủy lợi, Học viện Ngân hàng, Đại học Giao thông Vận tải… mỗi khi đến giờ tan trường, từng tốp sinh viên dắt nhau qua đường, mặc cho dòng phương tiện nườm nượp qua lại. Tại nhiều tuyến phố như Tạ Quang Bửu, Lê Lai, Đinh Lễ, Xuân Thủy… không khó để bắt gặp cảnh người dân đi bộ tràn lan dưới lòng đường.
Việc xử phạt các trường hợp người đi bộ vi phạm pháp luật về ATGT chỉ mới mang tính hình thức và thực tế đây là một việc không dễ. Một cán bộ thuộc Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội (xin giấu tên) cho biết, việc xử phạt các trường hợp đi bộ vi phạm là rất khó, bởi nhiều người khi ra đường không có giấy tờ tùy thân, không mang tiền để nộp phạt, rồi họ lại xin xỏ nỉ non, rất mất thời gian… nên đành phải cho qua.
Muốn đi đúng luật… cũng khó
Mặc dù, thói quen tùy tiện trong khi tham gia giao thông còn phổ biến ở một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều điểm ở các đô thị còn bất cập đã khiến những nguy cơ về tai nạn đường bộ xảy ra ngày một nhiều hơn.
Mới được đưa vào sử dụng từ ngày 10/8/2011, nhưng đến nay hệ thống đèn cho người đi bộ phía đối diện cổng Đại học Quốc gia Hà Nội trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) đã bị hỏng. Tại khu vực này, tấm biển chỉ dẫn được người dân sử dụng làm điểm dán tờ rơi, poster quảng cáo rao vặt. Đây là khu vực tập trung rất đông các cơ sở giáo dục, văn phòng; siêu thị, chợ… mỗi ngày có hàng ngàn người thường xuyên phải sang đường. Không có đèn tín hiệu giao thông, cũng không có cầu vượt nên nhiều người đi bộ phải chấp nhận liều lĩnh sang đường, kể cả trong giờ cao điểm. Nhiều sinh viên thậm chí phải sử dụng "giải pháp" đứng chờ cho tới khi đông người, rồi cùng sang đường cho… đỡ sợ!
Hệ thống đèn qua đường cho người đi bộ trên đường Nguyễn Trãi, phía đối diện trường Đại học Hà Nội cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tuyến đường với 8 làn xe luôn chạy với tốc độ cao, nhiều điểm giao cắt, khiến cho việc sang đường của người dân (phần lớn là học sinh, sinh viên) tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường. Thực tế đã có không ít vụ va chạm xảy ra tại khu vực này khi người đi bộ và phương tiện giao thông qua lại thiếu tập trung.
Bên cạnh những hạn chế như thiếu cầu vượt, vạch kẻ đường, biển cảnh báo nguy hiểm, tình trạng bày bán hàng hóa la liệt trên các tuyến phố, rồi chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi dừng đỗ xe cũng khiến không gian cho người đi bộ bị thu hẹp, buộc nhiều người phải đi sai làn đường quy định, dù muốn hay không. Bởi thế mà không ít người dân khi được hỏi đã rất bức xúc khi cho rằng, hạ tầng phục vụ cho người đi bộ thiếu thì muốn đi đúng luật, muốn được an toàn cũng khó! Do đó, để đảm bảo an toàn đường bộ nói chung và cho người đi bộ nói riêng, bên cạnh việc nâng cấp, hoàn thiện và quản lý tốt hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và chấp hành đúng Luật ATGT đường bộ, tạo thói quen đi bộ an toàn.