Tình trạng báo động
Sau chuyến khảo sát tại VQG Cúc Phương (Ninh Bình) mới đây, và những lần chứng kiến bất cập trong công tác quản lý du khách tại VQG ở Việt Nam, TransViet Group đã làm bản kiến nghị trong việc cung cấp dịch vụ và quản lý du khách tham quan VQG. Điều đó cho thấy tình trạng hoạt động du lịch “xâm lăng” VQG đã ở mức báo động. Phó Giám đốc TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt cho hay: “Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp đến VQG Cúc Phương tận mắt chứng kiến sự thiếu ý thức trầm trọng của du khách cũng như bất cập trong khâu tổ chức du lịch tại đây. Dường như, nơi đây đang trở thành nơi để đàn đúm, đốt lửa trại, nhậu nhẹt, karaoke om sòm khiến thú rừng sợ hãi, cỏ cây bị tàn phá và cả nguy cơ cháy rừng”.
Trong khi đó, không ít du khách cũng kêu trời vì VQG ở Việt Nam bị xâm hại với tốc độ chóng mặt do hoạt động du lịch. Như chia sẻ của ông Jesse Peterson - du khách đến từ Canada: “Tôi đến Tà Năng - Phan Dũng (đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận). Sau lần đầu tiên thì lần thứ hai và thứ ba, tôi chứng kiến sự suy tàn của thiên đường ấy chỉ vì hoạt động du lịch. Rác rải từ đầu tới cuối cung đường, có những nhóm bạn trẻ mang theo loa mở nhạc ầm ĩ. Ở thác Yaly, tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy đống vỏ lon bia vương vãi trên nền cỏ xanh mướt, chai nhựa và các mảnh rác khắp nơi. Có người còn đi vệ sinh làm bẩn dòng suối”. Ông Jesse Peterson cho biết, ông nghĩ các công ty du lịch không nên có mặt ở đây. Hiện tại, họ chẳng mang lại được gì hơn ngoài một nhóm du khách vô ý thức và các núi rác mới cho khu rừng. Nhiều công ty đang tổ chức tour bất chấp các mùa nguy hiểm.
Mặt khác, các hoạt động du lịch thiếu ý thức tham gia vào việc phá rừng một cách tích cực. 100ha rừng phòng hộ bị phá để làm sân golf ở Phú Yên. Cả chục ha rừng phòng hộ ven biển Thanh Hóa cũng bị “nuốt chửng” để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thậm chí, rừng ngập mặn cũng bị “sát hại” không thương tiếc để xây các công trình phục vụ du lịch…Cần quản lý chặtÔng Nguyễn Tiến Đạt cho biết, VQG Việt Nam không lớn về diện tích, chỉ chiếm 3% diện tích lãnh thổ. Trung bình mỗi VQG rộng 327km2. Trong khi, thế giới có 113.000 rừng quốc gia và khu bảo tồn, chiếm 6% điện tích đất. Mỹ có hệ thống VQG phát triển nhất với 60 VQG rộng trung bình 3.500km2. Còn tại Thái Lan - quốc gia tương đương về diện tích và dân số với ta, có 147 VQG chiếm 12% diện tích lãnh thổ, gấp 6 lần diện tích VQG tại Việt Nam. Những con số đó cho thấy, Việt Nam không có nhiều tài nguyên rừng. Do đó, chúng ta cần xác định, VQG không phải là địa điểm dã ngoại cuối tuần bình thường, mà chỉ dành cho những người yêu thích và có trách nhiệm với thiên nhiên.Với quan điểm trên, các nhà quản lý cần đưa ra những chính sách và biện pháp cụ thể để hạn chế những khách du lịch vô ý thức và tạo môi trường lành mạnh cho những người thực sự yêu thiên nhiên. Với VQG Cúc Phương, TransViet Group đề nghị một số biện pháp đơn giản có thể thực hiện ngay như: Thu thêm phí vệ sinh; cấm đốt lửa bên trong rừng; cấm phương tiện giao thông cá nhân từ 16 chỗ trở xuống, kể cả xe máy vào đường nội bộ bên trong VQG. Lập các bến xe dọc đường ô tô để khách có thể đón xe ôm vào ngày thấp điểm và xe buýt vào ngày cao điểm. Có thu phí với cả 2 loại phương tiện; và xây dựng các tuyến đi bộ dọc theo đường ô tô để khuyến khích khách đi bộ từng đoạn trong rừng…Du lịch đến các VQG đang thịnh hành. Đó là dấu hiệu đáng mừng, nhưng kèm theo đó, nhiều dự án hạ tầng du lịch được triển khai tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng và VQG gây áp lực lên hệ sinh thái và môi trường. Do đó, cộng đồng hãy chung tay bảo vệ những khu VQG ít ỏi còn sót lại trên mảnh đất hình chữ S.
Chiều 15/5, tại trụ sở Bộ VHTT&DL sẽ diễn ra buổi họp báo giới thiệu chiến dịch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch để nhằm tìm ra các biện pháp chấn chỉnh những vi phạm phá hoại của con người đến thiên nhiên. |