Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động giám sát chưa phát huy hết hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 10 (21/10), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Kế toán (sửa đổi), dự án Luật Thuế xuất, nhập khẩu - XNK (sửa đổi) và dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Không được ủy quyền “tràn lan” cho cấp dưới khi trả lời chất vấn

Chiều 21/10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khách nhau của Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động giám sát vẫn còn "cưỡi ngựa xem hoa", kết thúc giám sát chỉ dừng lại ở mức tiếp thu, ghi nhận thực tế của địa phương…, cần phải khắc phục các hạn chế này để Luật phát huy hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) phát biểu ý kiến.
ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, cần lưu ý đến các vấn đề: Cần quy định rõ các chức danh chịu chất vấn trước Quốc hội và HĐND, không được ủy quyền cho cấp dưới, vì cử tri mong muốn các chức danh đó phải trả lời bởi họ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Quy định chặt chẽ về thành phần giám sát chuyên đề. Bổ sung nội dung các phiên chất vấn của HĐND tỉnh, TP được truyền hình trực tiếp. Luật cần quy định trường hợp cơ quan chịu sự chất vấn, giải trình không thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thì Thường trực HĐND cần báo cáo HĐND xem xét ra nghị quyết, có như vậy, HĐND các cấp mới thực quyền giám sát, giám sát của HĐND mới có hiệu lực. Cũng đồng tình với việc cấp trưởng phải trả lời chất vấn, nhưng có ý kiến cho rằng cũng nên quy định rõ trường hợp nào mới được ủy quyền, không thể ủy quyền tràn lan, nhưng cũng không thể quy định quá cứng nhắc.

Nhận xét rằng hoạt động  giám sát chưa phát huy hết hiệu quả, chủ thể giám sát chưa chấp hành nghiêm các kiến nghị giám sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đề xuất: Dự Luật cần phải làm rõ vấn đề này, đảm bảo chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát thực hiện nghiêm, nếu không cứ đến giám sát "chào vui vẻ, nghe báo cáo qua loa rồi về". Giám sát ngoài nghe báo cáo phải đi thực tế, giám sát chặt về thực tế, luật phải quy định rõ luôn trình tự này.

Không làm giảm thu ngân sách

Sáng 21/10, báo cáo Quốc hội về dự án Luật Thuế xuất, nhập khẩu - XNK (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã gia nhập WTO được 8 năm và ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), thời gian tới sẽ ký kết một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Khi ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA… thì mức độ tự do hóa sẽ đạt 97 - 98% dòng thuế trong vòng 10 năm. Dự kiến đến giai đoạn 2028 - 2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu (NK) của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất theo các FTA là 0%. Như vậy, việc xây dựng trần (tối đa) và mức thuế sàn (tối thiểu) trong Biểu khung thuế XNK đã không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Do vậy, Ban soạn thảo kiến nghị Luật Thuế XNK (sửa đổi) không quy định Biểu khung thuế NK.

Bổ sung vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, cần quy định rõ trong dự luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và NK mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế; đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Một trong các vấn đề được cơ quan thẩm tra quan tâm là việc sửa đổi Luật sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước (NSNN) như thế nào. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ ước tính, việc sửa đổi Luật này dự kiến sẽ không làm giảm thu NSNN từ thuế xuất khẩu, NK mà ước tăng thu cho NSNN khoảng 400 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực, tuy nhiên cần làm rõ hơn hoạt động của các đơn vị hành nghề dịch vụ kế toán chuyên nghiệp.