Kinhtedothi - “Có mức chi cho giáo dục đại học (ĐH) cao nhất thế giới; xếp thứ 28 trong 50 hệ thống giáo dục ĐH theo xếp hạng của Universitas 21, 2014; chỉ có 20 trường công trong khi trường tư lên tới 535; định hướng đến năm 2020 sẽ trở thành một trung tâm giáo dục ĐH quốc tế hoàn hảo”.
Đây là những thông tin được GS. Morshidi Sirat - cựu Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ ĐH Malaysia cho biết về giáo dục ĐH của nước mình tại hội thảo “Chia sẻ tri thức Chính sách Phát triển giáo dục ĐH bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Malaysia” diễn ra ngày 16/10.
Bên lề hội thảo, GS. Morshidi Sirat đã chia sẻ với báo chí về sự phát triển của giáo dục ĐH Malaysia, đặc biệt là việc phân tầng trường ĐH.
GS. Morshidi Sirat
Thưa ông, được biết, Malaysia đã làm tốt việc phân tầng các trường ĐH. Ông có thể cho biết, việc này được thực hiện bao lâu và mang lại hiệu quả thế nào?
Malaysia tiến hành cải cách giáo dục ĐH vào năm 1996. Chúng tôi cũng đã có nhiều thay đổi về quy định luật pháp; xem xét các loại hình trường ĐH; xem xét nguồn kinh phí, tài chính, nguồn vốn vay cho SV và công tác quản trị trường ĐH.
Trong quá trình cải cách ấy, chúng tôi phân ra được 3 loại trường ĐH công. Thứ nhất là ĐH nghiên cứu, thứ hai là ĐH Kỹ thuật, thứ ba là ĐH Toàn diện. Chúng tôi không phân loại các trường ĐH tư.
Với toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, chúng tôi tiến hành 2 loại đánh giá. Đối với trường công, chúng tôi đánh giá về mặt nghiên cứu để đảm bảo các trường có tiến hành nghiên cứu khoa học hay không. Khi trường nào đó đã được đánh giá cao về mặt năng lực nghiên cứu thì sẽ có quyền xin hỗ trợ về mặt kinh phí của Chính phủ cho hoạt động này.
Đánh giá thứ hai về kết quả giảng dạy do cơ quan về bằng cấp của Malaysia đảm nhận. Ở nội dung này, các trường sẽ được đánh giá dựa trên kết quả dạy và học.
Thang điểm đánh giá từ 1 đến 6, trường nào ở top 6 là trường đứng đầu. Và tất nhiên, SV bao giờ cũng muốn vào trường top đầu.
Trong trường hợp các trường chỉ đạt điểm 1 hoặc 2 thì vẫn có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể nâng được điểm số của mình lên.
Đó là những thay đổi lớn được thực hiện từ năm 1996 để tăng cường đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH chứ không phải chỉ tập trung vào cho 1-2 trường.
Vậy hiệu quả từ việc đánh giá các trường ĐH của Malaysia thế nào, thưa GS?
Chúng tôi công bố công khai kết quả của các trường ĐH tư cho người dân biết. Như thế, các trường tư phải có những cải tiến nhất định trong hoạt động của họ. Có như thế họ mới có thể thu hút SV từ Việt Nam, Camuchia hay quốc gia khác đến học. Rõ ràng không có sự lựa chọn nào khác là buộc họ phải làm việc tốt hơn.
Như vậy, các trường ĐH tư bắt buộc phải cải thiện điểm số đánh giá của mình. Đối với các trường ĐH công, đến thời điểm này chúng tôi đã có 1 trường lớn được lọt vào danh sách trường top 150 trên thế giới.
Và còn về tốc độ hiệu quả trên toàn hệ thống, chúng tôi tăng cường được về mặt nghiên cứu vì số lượng bài báo, bài viết, bài trích đăng được tăng lên đáng kể, có mức độ cũng tương đương với các quốc gia trong khu vực ASEAN, trừ Singapore.
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi tăng cường khả năng có công ăn việc làm đối với SV sau khi ra trường. Nhưng tôi muốn nói, khi chúng ta luôn nhấn mạnh làm thế nào để SV ra trường có việc làm thì ở đây chúng tôi khuyến khích SV tự tạo việc làm. Bằng cách như SV có thể tăng cường kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động.
Đó là lý do vì sao trong chương trình đào tạo của chúng tôi có nội dung đào tạo về kỹ năng kinh doanh để SV không phải trông chờ vào Chính phủ sắp xếp công việc. Chính các SV ấy có thể tự tạo công ăn việc làm cho mình và cho cả các SV khác.
Đây chính là lý do vì sao Malaysia chỉ có 3,5- 4% SV tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp. Tôi luôn luôn khuyến khích SV không dựa vào Chính phủ để có công ăn việc làm mà thay vào đó họ tự tạo việc làm cho mình. Họ có thể tăng cowngf sự phói kết hợp với các doạnh nghiệp với thị trường lao động.
Thưa ông, Việt Nam đang thực hiện phân tầng và xếp hạng các trường ĐH. Nhưng chúng tôi gặp khó khăn vì hệ thống trường công lớn hơn nhiều trường tư. Ông có chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia?
Ở Malaysia chỉ có 20 trường ĐH công và hơn 500 trường tư. Nhưng, ở chỗ chúng tôi là thị trường mở cho nên dù công hay tư nếu hoạt động tốt thì tồn tại. Nếu hoạt động không tốt, Bộ ĐH Malaysia sẽ có cảnh báo sẽ bị đóng cửa nếu chất lượng giáo dục không được cải thiện.
Còn Việt Nam các bạn lại khác. Nếu là trường công thì chúng ta có dám nói là đóng cửa trường không? Nếu đóng cửa trường công, những cán bộ công tác và giảng dạy ở cơ sở này có bị thất nghiệp không khi họ đều là viên chức?
Ở Malaysia số người làm việc trong các trường tư bị hạn chế, cho nên chúng tôi không lo ngại vì việc này nếu phải đóng cửa trường.
Tôi nhấn mạnh thêm, ở Malaysia hệ thống các trường bách khoa định hướng về nghề nghiệp nhiều hơn, tập trung làm thế nào để người học ra trường có việc làm, tham gia các hoạt động thương mại. Ngoài ra chúng tôi cũng chú trọng phát triển trường CĐ cộng đồng với phương pháp học tập suốt đời bằng việc tổ chức các khóa học từ 3 đến 6 tháng để học viên nắm được nghề hoặc kỹ năng để hoạt động kinh doanh riêng của mình.
Xin cảm ơn GS!