Năm 2016, ngành ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, về kiểm soát lạm phát dưới 5%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống; tổng phương tiện thanh toán tăng phù hợp (kế hoạch là khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%); nâng cao vị thế đồng Việt Nam, tiếp tục giảm tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế; đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật; giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10% và nợ xấu còn dưới 3%...
Về tín dụng, các ngân hàng đã nỗ lực cải thiện điều kiện tín dụng theo hướng thuận lợi về thủ tục, áp dụng lãi suất cả huy động và cho vay linh hoạt và giảm dần, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hướng mạnh và cân đối hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
NHNN cũng đã kết thúc thành công và “có hậu” gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ mua nhà xã hội, bảo đảm giải ngân những khoản vay đã ký theo đúng lãi suất ưu đãi mà người vay đã được hưởng và được cam kết trong hợp đồng vay vốn đã ký.
Đặc biệt, theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp (ngày 18/12 tại TPHCM), NHNN sẽ nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện để sớm ban hành cơ chế thuận lợi về gói tín dụng trị giá 50.000-60.000 tỷ đồng và được bố trí tại ít nhất 5 ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về lãi suất, năm 2016, NHNN ráo riết thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trên tinh thần “cố gắng giữ nguyên mức lãi suất điều hành, hỗ trợ, giảm bớt áp lực về giới hạn an toàn” (các chỉ tiêu an toàn được quy định với thời hạn, lộ trình cụ thể); chỉ đạo các TCTD rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn; chưa nâng mạnh ngay hệ số rủi ro cho vay bất động sản; giãn lộ trình nâng giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; mở lại tín dụng ngoại tệ.
Hoạt động tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) góp phần tái tạo nguồn, hỗ trợ thanh khoản và góp phần hạ nhiệt lãi suất. Việc loại trừ được các hoạt động đầu cơ, găm giữ trên thị trường vàng, việc giữ tỷ giá ổn định trong phần lớn thời gian của năm cũng hạn chế được dòng vốn tác động bất lợi đến lãi suất VND.
Từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn; trong đó, đáng ghi nhận là quán triệt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Vietcombank, VietinBank, BIDV và SHB... đã công bố áp trần lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 10%/năm.
Năm 2016, tín dụng ngoại tệ bị hạn chế và tiền gửi DN và cá nhân bằng USD đều về 0%. Điều này đã trực tiếp làm tăng nhu cầu tín dụng quốc gia bằng VND (trong nửa đầu năm 2016 đã tăng 8,11% so với cuối năm 2015, tăng 22,95% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế).
Chính sách tỷ giá trung tâm lần đầu được áp dụng từ 4/1/2016 đến nay đang phát huy tác dụng tích cực trong ổn định tỷ giá, cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế; giảm bớt áp lực bán ngoại tệ can thiệp thị trường và kỳ vọng đầu cơ khác.
Sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất và thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông đã góp phần nâng cao niềm tin vào đồng Việt Nam và giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tình trạng đô la hoá và các cơn sốt nóng trên thị trường ngoại hối trong nền kinh tế đang được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Lộ trình tái cơ cấu các TCTD đang được tiếp tục triển khai theo kế hoạch, giảm số lượng các TCTD dưới chuẩn và cải thiện từng bước chất lượng, sức cạnh tranh toàn hệ thống và từng tổ chức thành viên.
Số liệu giám sát của NHNN và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch và cập nhật đầy đủ hơn. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã nghiêm túc chấp hành các quy định về lãi suất huy động, đặc biệt là huy động USD; chủ động tăng dư nợ tín dụng và cung cấp các dịch vụ mới, mở rộng thị phần.
Sự cộng hưởng và tác động đa chiều của những cơ hội và thách thức trên, tạo xung lực mới cả về chính sách, yêu cầu và về xu hướng thị trường, cũng như cho phép kỳ vọng về những tập đoàn tài chính-ngân hàng Việt Nam có tầm vóc hơn, có tính quốc tế và năng lực cạnh tranh cao, cũng sẽ đậm dần hơn…
Các động thái điều hành của NHNN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Theo đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng và đánh giá tốt hơn hạng mức của nhiều ngân hàng Việt Nam trong năm 2016.
Báo cáo đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam năm 2017 của tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế Fitch Ratings công bố trung tuần tháng 12/2016 cho biết: Các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện hơn tình trạng "sức khỏe" của mình; đồng tiền Việt Nam ổn định và lạm phát trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng đã thay đổi theo hướng giảm cho vay đối với các DN Nhà nước kém hiệu quả và đẩy mạnh cho vay qua kênh bán lẻ, giúp giảm nhẹ áp lực lên chất lượng tài sản (tỷ lệ tín dụng với DN Nhà nước đã giảm xuống còn 15% trong tổng số các khoản vay của 8 ngân hàng lớn ở Việt Nam so với mức 19% vào cuối năm 2011; tỷ trọng tín dụng vào khu vực kinh doanh bán lẻ, hộ gia đình đã tăng lên 36%, so với mức 27% vào cuối năm 2015). Tỷ lệ cho vay/huy động bình quân toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2016 là 86,6%. Đây là tỷ lệ không tồi và tạo kỳ vọng mức cao hơn trong năm 2017.