Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động ngoại giao của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Geneva

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc châu Âu nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp...

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc châu Âu nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức kinh tế của thế giới và khu vực, ngày 14/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Hợp tác quốc tế về kinh tế, đã có một loạt các cuộc gặp song phương tại Geneva với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng Thư ký Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), lãnh đạo Trung tâm Tư vấn luật quốc tế của WTO (ACWL).

Tại cuộc gặp Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của UNCTAD với Việt Nam trong thời gian qua, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhất là trong hoạt động nghiên cứu, hoạch định chính sách, đầu tư thương mại; hỗ trợ tích cực trong đàm phán WTO, quản lý tài chính, đào tạo cán bộ.

 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Mukhisa Kituyi đã chúc mừng những thành tựu trong công cuộc đổi mới, chuyển đổi kinh tế của Việt Nam; bày tỏ vui mừng nhận thấy hợp tác giữa UNCTAD và Việt Nam phát triển tích cực, trong đó có các lĩnh vực quản lý nợ, môi trường, giao thông vận tải, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; khẳng định UNCTAD sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam để khai thác các tiềm năng và đáp ứng mối quan tâm và lợi ích phát triển của Việt Nam.

Tổng Thư ký UNCTAD cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục cử các chuyên gia của UNCTAD hỗ trợ Việt Nam ở các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển và mong muốn sớm có dịp đến thăm Việt Nam.

Sau cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự buổi khai mạc phiên họp lần thứ 62 của Ủy ban Thương mại và Phát triển UNCTAD với chủ đề “Chiến lược phát triển trong xu thế toàn cầu, quy trình quản lý nợ nước ngoài.”

Phát biểu khai mạc phiên họp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Năm 1990, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia nghèo mắc nợ trầm trọng với tỷ lệ nợ nước ngoài ở mức 146% GDP. Vào năm 1993, Việt Nam đã triển khai đàm phán tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài.

Sau 10 năm thực hiện tích cực, Việt Nam hầu như không còn nợ quá hạn với chủ nợ nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố được các nhà tài trợ nước ngoài đánh giá cao và là căn cứ để tiếp tục cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hy vọng qua những phiên họp của UNCTAD với chủ đề tương tự, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội để cập nhật về công tác quản lý nợ của các quốc gia, mối quan tâm của các nhà tài trợ, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý nợ của Việt Nam nói chung, trong đó có nợ nước ngoài.

Ngay sau phiên khai mạc UNCTAD, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WTO và lãnh đạo Trung tâm Tư vấn luật quốc tế WTO (ACWL).

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích của quốc gia thành viên và nền kinh tế toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang tăng tốc quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại hơn và hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Azevedo, hoạt động thương mại đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam theo hướng ngày một đi lên.

Trong cuộc gặp với các Phó Giám đốc ACWL, luật sư cao cấp Cherise M. Valles và Leo Palma, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao tinh thần hợp tác, thiện chí của đội ngũ luật sư ACWL trong việc hỗ trợ đào tạo cán bộ của Việt Nam, kể cả ngắn hạn và dài hạn.

Phó Thủ tướng hy vọng ACWL tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý, cung cấp các ý kiến tư vấn nhằm giảm thiểu những tranh chấp mà Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình xử lý các vụ kiện, giúp các cán bộ pháp lý của Việt Nam tự tin hơn trong việc hiểu biết và xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.