Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động sàn giao dịch vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá,

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá, trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của các sàn vàng chỉ phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của số ít người nhưng sự thắng, thua của họ lại tác động mạnh đến giá vàng trong nước, ảnh hưởng mạnh mẽ tâm lý người dân, dẫn đến hành động rút tiền ngân hàng mua vàng gây tác động không lành mạnh cho thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, qua rà soát các văn bản pháp lý liên quan cũng cho thấy việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý. Đây không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản. Thực tế, thời gian qua, đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức Sàn.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, sơ bộ nhận thấy trong 10 nhà đầu tư thì đa số thua lỗ, tiền lãi chui vào túi nhà cái ở nước ngoài. Do đó, số ngoại tệ (USD) phải trả cho nhà cái thực chất là chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Đó cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng giá vàng càng lên cao thì giá USD tự do cũng lên mạnh so với VND. Việc giá vàng quá cao cũng phần nào ảnh hưởng đến giá cả (nhất là giá nhà đất, ôtô) khiến người dân mất niềm tin vào giá trị VND...

Ngân hàng Nhà nước hiện có chức năng quản lý các hoạt động liên quan đến vàng như hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; hoạt động huy động, cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng; quản lý vàng trong Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Các hoạt động: mua, bán, sản xuất, gia công vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không do NHNN quản lý; được cấp phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công thương; xuất nhập khẩu qua Hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học Công nghệ.

Thông tin từ NHNN cho biết, dự thảo nghị định quản lý vàng đang được NHNN khẩn trương hoàn thành. Có thể một phòng quản lý vàng sẽ được tái lập lại trong Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) thời gian tới.