Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Liệu có phát sinh thêm kinh phí?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới mà Bộ GD&ĐT công bố, hoạt động giáo dục trải nghiệm lần đầu tiên sẽ được đưa vào CT giáo dục bắt buộc cho học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 12.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, hoạt động này liệu có phát sinh thêm kinh phí, việc tổ chức giảng dạy ở trường thế nào để mang lại hiệu quả?
Hoạt động bắt buộc

Theo thiết kế, hoạt động trải nghiệm trong CT GDPT mới gồm 4 nội dung cơ bản: Hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Đây là những nội dung quen thuộc với HS, nhưng được sắp xếp theo chủ đề, tích hợp và có thêm yêu cầu mới.
 Giờ học địa lý của học sinh khối 12 trường THPT Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng 
Tùy theo lứa tuổi, nội dung giáo dục ở từng cấp học được thiết kế khác nhau. Ở bậc tiểu học, CT tập trung vào phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân; ở cấp THCS dành thời lượng cho hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; cấp THPT tập trung vào giáo dục hướng nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại hoạt động này liệu có giải quyết được hạn chế của giáo dục hướng nghiệp vốn bị coi là hình thức lâu nay? PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng Chủ biên CT hoạt động trải nghiệm khẳng định, từ cấp THCS đến cấp THPT, hoạt động trải nghiệm có tích hợp nội dung hướng nghiệp nhằm cung cấp, hình thành cho HS những kiến thức, kỹ năng cơ bản về định hướng chọn nghề. Để khắc phục hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp, CT nêu ra yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề, giúp HS nhận thức được mức độ đáp ứng của bản thân, từ đó có lựa chọn phù hợp.

"Việc tổ chức CT gồm rất nhiều hình thức, tổ chức trong hoặc ngoài lớp học, HS được trải nghiệm để hình thành năng lực, phẩm chất của riêng mình. Với các hoạt động mang tính xã hội, nếu tổ chức có quy mô, có sự chuẩn bị, HS có thể tự tạo ra kinh phí, chứ không làm phát sinh thêm kinh phí. Tùy điều kiện, nhà trường lựa chọn quy mô cho phù hợp." - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa

Nhiều băn khoăn

Ghi nhận tại các trường trên địa bàn Hà Nội, nhiều giáo viên và phụ huynh HS đồng tình với nội dung hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là lấy kinh phí ở đâu để phục vụ hoạt động này.

Chị Trần Thị Hiền - phụ huynh HS trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho biết, mỗi năm trường tổ chức cho HS đi tham quan, dã ngoại 2 lần/năm, kinh phí đều do phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện. “Sắp tới, khi nội dung này được đưa vào CT bắt buộc, thời lượng triển khai thường xuyên hơn, chúng tôi có phải tiếp tục đóng góp kinh phí hay không? Liệu có kiểm soát được việc các nhà trường lạm dụng việc này để thu nhiều, thu sai qui định?” – chị Hiền đặt câu hỏi. Chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Hợp - phụ huynh HS trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho rằng, hiện nay, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhất là những chuyến đi dã ngoại của HS mới dừng ở việc khuyến khích phụ huynh động viên con tham gia. “Các trường nên trang bị những điều kiện tối thiểu, không thể trông chờ vào đóng góp của phụ huynh HS, bởi nguồn kinh phí này không ổn định, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng triển khai” – anh Hợp đề xuất.

Nội dung này khiến không ít nhà trường băn khoăn. Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trong dự thảo mới chỉ nhắc đến hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục bắt buộc trong CT giáo dục, chưa đề cập đến các vấn đề liên quan và điều kiện triển khai như: Thời lượng được bố trí ra sao trong năm học, địa điểm tổ chức, kinh phí lấy ở đâu... “Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai, đồng thời có căn cứ thông tin tới phụ huynh HS" – bà Hà kiến nghị.