Nhà quản lý không được… quản lý
Hoạt động xuất bản diễn ra trên địa bàn TP ngày một "tấp nập" và phức tạp với một nhà xuất bản (NXB) thuộc TP, 44 NXB của các cơ quan T.Ư và địa phương, hơn 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp, 2 cơ sở phát hành sách do TP quản lý và hàng trăm nhà sách, cơ sở phát hành sách tư nhân, hàng trăm cơ sở in lưới, in laser, photocopy…
Song, như Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Minh Khánh cho biết, có một bất cập lớn là theo sự phân cấp quản lý thì tất cả các NXB của cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn, thậm chí cả NXB địa phương đều thực hiện việc đăng ký kế hoạch xuất bản, nộp lưu chiểu trực tiếp cho Cục Xuất bản. Sở TT&TT vì thế gặp khó trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tham mưu với UBND TP.
Sách lậu được bày bán nhiều trên vỉa hè. Ảnh: Đức Giang
Mặt khác, sau khi Luật Xuất bản năm 2004 được sửa đổi, bổ sung (năm 2008), các thành phần kinh tế ngoài khu vực Nhà nước được tham gia vào hoạt động in, phát hành và liên kết với các NXB để phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản có thêm nguồn lực đầu tư, thêm nguồn bản thảo, song đây lại là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Minh Khánh, các loại sách in lậu, sách vi phạm bản quyền, một số loại vàng mã không được cấp Giấy đăng ký in vẫn bày bán công khai. Nhiều cơ sở in không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình hoạt động, thậm chí xuất bản tài liệu tuyên truyền mà không thực hiện quy định về cấp phép xuất bản.
Hầu hết các đơn vị sau khi được cấp phép xuất bản tài liệu, không nộp hoặc nộp lưu chiểu không đúng thời hạn. Một số trường hợp nhập khẩu xuất bản phẩm còn không thực hiện quy định về thẩm định nội dung. Đặc biệt, nhiều NXB không kiểm soát được nội dung, chất lượng sách liên kết nên cho ra những sản phẩm kém chất lượng, gây bức xúc trong dư luận.
Đẩy mạnh kiểm tra
Năm 2012, Sở TT&TT Hà Nội đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, xử phạt 2 công ty có hành vi vi phạm pháp luật, mỗi công ty 15 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm ước tính khoảng 450 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiêu hủy 5.200 kg xuất bản phẩm vi phạm quy định về xuất bản, in, gia công sau in và xuất bản phẩm lưu hành không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Điều này phần nào cho thấy nạn in lậu, vi phạm bản quyền đang là bất cập lớn của ngành xuất bản Thủ đô. Để hoạt động xuất bản đi vào đúng quỹ đạo của nhà quản lý, phù hợp với định hướng và thực tiễn của Hà Nội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long yêu cầu, Sở TT&TT tích cực tham mưu cho TP và Bộ TT&TT đưa Luật Xuất bản mới (có hiệu lực từ 1/7/2013) vào đời sống. Đó chính là mấu chốt để giải tỏa những bức xúc của ngành xuất bản hiện tại.
Đặc biệt, Sở TT&TT cần nhanh chóng tham mưu cho TP để thành lập đoàn thanh tra liên ngành phòng, chống in lậu giữa Bộ TT&TT và Bộ Công an để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách, nhằm đẩy lùi tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền.