Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học hỏi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, tại huyện Mê Linh, Cụm Thi đua số V của TP Hà Nội gồm các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm và Thanh Trì tổ chức hội nghị tham quan, đánh giá mô hình đăng ký thi đua năm 2016.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Cụm trưởng Cụm Thi đua số V Vũ Văn Nhàn chia sẻ, phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cụm được duy trì ổn định và phát triển. Kết quả 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Cụm Thi đua số V tăng 8,87% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, huyện Đông Anh tăng 10%, Gia Lâm tăng 9,72%, Sóc Sơn 8,88%, Mê Linh tăng 7,55%, Thanh Trì tăng 8,3%. Bên cạnh đó, thu ngân sách các huyện 6 tháng đầu năm đều đạt trên 50%, trong đó Đông Anh 71,8%, Thanh Trì hơn 81% (đến nay thu đạt 92%), Gia Lâm thu đạt 60,7%...
Thăm quan, đánh giá mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
Thăm quan, đánh giá mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
Cùng với lĩnh vực kinh tế, các phong trào thi đua nổi bật của Cụm Thi đua số V cũng đã tập trung vào triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, vấn đề bức xúc nhất mà TP Hà Nội quan tâm như: Năm trật tự và văn minh đô thị, VSATTP…  Ngoài ra còn có các phong trào thi đua trong lĩnh vực phát triển văn hóa – xã hội như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thể dục thể thao, nâng cao chất lượng giáo dục, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… trong Cụm Thi đua số V cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong chương trình hội nghị, đoàn đã tới thăm mô hình rau an toàn (RAT) của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Đây là mô hình huyện Mê Linh đăng ký với Cụm Thi đua số V. Hiện tổng diện tích vùng bãi của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt có diện tích khoảng 200ha, trong đó có 118,5ha đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Chủng loại rau rất đa dạng gồm rau ăn củ, quả, lá và một số cây gia vị. Sản lượng rau hàng năm của HTX đạt khoảng 27.000 tấn/năm.
Học hỏi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả - Ảnh 1
Điểm nổi bật của vùng sản xuất RAT tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao là rau được nông dân canh tác theo quy trình an toàn của Sở NN&PTNT ban hành. Đáng chú ý, người nông dân đã quan tâm chuyển sang sử dụng các bẫy, bả sinh học để phòng trừ sâu bệnh, đồng thời hình thành các tổ, nhóm sản xuất giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, ATTP rau trước khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình là hạ tầng phục vụ sản xuất chưa hoàn thiện, nhất là hệ thống điện, giao thông và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định nên giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do.

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện trong Cụm Thi đua số V đã cùng nhau phân tích, trao đổi thêm về mô hình đăng ký của huyện Mê Linh. Đồng thời bày tỏ, đây là cơ hội quan trọng để các huyện học hỏi lẫn nhau nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. “Mô hình thi đua phải có tính lan tỏa, nhân rộng, tăng giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích” – Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.