Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh được lựa chọn học các môn Ngoại ngữ theo điều kiện

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới chỉ là đề xuất, chưa phải kế hoạch triển khai thực hiện nhưng lộ trình Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020 đề ra việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 3...

Đã gây nhiều tranh luận suốt mấy ngày qua, trước nhiều ý lo ngại này, tối 22/9, Bộ GD&ĐT đã đưa ra ý kiến chính thức về việc này.

Theo Bộ GD&ĐT, “Ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.

Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 về việc Tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

“Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD&ĐT cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học...

Như vậy, ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông."