Em Lâm Bảo Trân, học sinh lớp 11A1, trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Trước thực trạng đã có nhiều người thiệt mạng trong các vụ cháy ở các khu chung cư, em và bạn Lâm Hùng Vĩ (học lớp 11A8) đã nghiên cứu và cho ra đời “Hệ thống cảnh báo và dò tìm người mắc kẹt trong các vụ cháy chung cư”.
"Qua thử nghiệm, chúng em thấy đề tài đã bước đầu thành công và đưa tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, được giải Nhì (không có giải nhất). Hệ thống sử dụng mạng wifi, nhưng để phòng ngừa trường hợp bị mất điện khi xảy ra cháy nổ, các em đã sáng tạo thiết bị sử dụng nguồn điện dự phòng để cung cấp mạng wifi đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định." - em Lâm Bảo Trân nói.
Em Lâm Hùng Vĩ cho biết: Thiết bị do nhóm em sáng tạo có các chức năng như cảnh báo các vụ cháy qua nhận diện tín hiệu của cảm biến và thông báo điều hướng cho người cho người dân nắm rõ tình hình; dò tìm các nạn nhân còn sống sót và mắc kẹt trong phạm vi từng phòng thông qua cảm biến nhận diện con người, nút cảm biến nhiệt độ cao và nút khẩn cấp ở phạm vi từng căn hộ.
Hệ thống cảnh báo được thực hiện ở khu chung cư có nhiều tầng, nhiều phòng. Mỗi phòng sẽ được gắn một bộ cảm biến (gắn trên trần hay gắn ở tường, trong và ngoài nhà) có kết nối wifi với thiết bị khác ở bộ phận quản lý chung cư hay kết nối với điện thoại thông minh của người sử dụng thiết bị.
Khi xảy ra cháy, nếu có người ở trong nhà, bộ thiết bị này sẽ nhận diện nạn nhân đang ở trong phòng hay ở ngoài và thiết bị sẽ tự động phát sáng. Đồng thời, chuyển thông tin về nạn nhân, số phòng, tầng nào... để bộ phận quản lý chung cư, lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ biết. Từ đó tiến hành giải cứu nạn nhân khỏi khu vực nguy hiểm.
Trường hợp khác, khi xảy ra sự cố, nếu bị mắc kẹt bên trong mà nhà có gắn thiết bị cầu cứu khẩn cấp, nạn nhân chỉ cần nhấn nút kêu cứu thì lực lượng cứu hộ sẽ ngay lập tức phát hiện vị trí nạn nhân bị mắc kẹt. Đồng thời, thiết bị cũng có hệ thống loa nên lực lượng cứu hộ động viên, hướng dẫn nạn nhân các bước xử lý ban đầu để thoát khỏi nguy hiểm, chờ lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ.
Em Lâm Bảo Trân cho biết thêm, thiết bị do nhóm em sáng tạo nhận diện được người còn sống ở quy mô từng căn hộ trong thời gian thực; phát loa hướng dẫn thoát hiểm đến từng căn hộ có người còn sống liên tục trong lúc có đám cháy. Người dân dễ dàng báo cáo tình trạng khẩn cấp ngay lập tức với đội bảo vệ qua nút nhấn báo khẩn cấp; thiết bị giám sát nhiệt độ môi trường ở từng phòng, giúp đội cứu hộ chuẩn bị tốt phương án giải cứu cũng như khu vực ưu tiên giải cứu.
Nhận xét về tính khả thi của đề tài, Thượng tá Bùi Văn Hồng - Phó Trưởng phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: Qua thử nghiệm, hệ thống báo cháy của các em đạt được các kết quả sau: Hệ thống nhận diện được người bị nạn mắc kẹt một cách chính xác, giúp xác định được chính xác vị trí của nạn nhân khi mắc kẹt trong đám cháy.
Bên cạnh đó, giúp phát hiện chính xác và nhanh chóng khu vực xảy ra cháy, nổ; giúp cho người quản lý các toà nhà thông báo cho các khu vực bị xảy ra sự cố để thông báo cho các khu lân cận biết và xử lý.
"Chúng tôi đánh giá mô hình này rất hay và có sáng kiến mới trong việc lập trình, tạo ra hệ thống báo cháy tìm người, xác định nạn nhân khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đây cũng là mô hình rất thực tế, giúp cho lực lượng PCCC-CNCH khi đến hiện trường xác định được sự cố cháy nổ, xác định nhanh chóng và chính xác nhất nơi các nạn nhân bị mắc kẹt trong đám cháy để tiếp cận trong thời gian sớm nhất, đưa nạn nhân thoát ra ngoài an toàn." - Thượng tá Bùi Văn Hồng nhấn mạnh.