Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh lớp 6 lúng túng khi chuyển cấp

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã gần hết nửa học kỳ 1 năm học 2017 – 2018, nhưng đến thời điểm này, nhiều học sinh (HS) lớp 6 vẫn lúng túng với nhiều môn học, cùng những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết và hàng “núi” bài tập về nhà.

Lo lắng, thất vọng là nỗi lòng chung của khá nhiều cha mẹ có con đang học lớp 6. Ai nấy đều cảm thấy hoang mang vì những bài kiểm tra bị điểm kém con mang về yêu cầu bố mẹ ký. Chị Trần Thu Thủy, có con học lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) bày tỏ: “Sau gần 2 tháng học ở trường mới, khi kiểm tra sách vở và tệp kẹp các bài kiểm tra của con, tôi tá hỏa với những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Bài kiểm tra môn Văn được 2 điểm, tiếng Anh 2 điểm, Lịch sử 2 điểm... ”.

Giờ học Lịch sử của học sinh lớp 6 trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội).     Ảnh: Trung Đức

Là bởi, với yêu cầu của cấp học THCS, lượng bài tập về nhà là bắt buộc, chưa kể phải chủ động chuẩn bị trước cho bài học hôm sau. Trong khi đó, suốt 5 năm tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5, HS đến trường không có áp lực bài vở, không chấm điểm, không có bài kiểm tra trong quá trình học. Thế nên, chuỗi ngày đầu của năm học lớp 6, HS đến trường luôn luôn trong tình trạng thiếu bài tập, quên chưa soạn bài... Cô Hoàng Ngọc Điệp - giáo viên trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cũng thừa nhận: “Giáo viên cũng vô cùng vất vả, vì bậc tiểu học đã bỏ việc giao bài tập về nhà, nên khi vào THCS các em không quen ngay được với cách học mới”. Thêm vào đó, thay vì đáp ứng đúng tiến độ môn học, giáo viên lớp 6 còn phải dành khá nhiều thời gian hướng dẫn HS cách thích ứng với yêu cầu bộ môn, chỉ cách chép bài, ghi bài trên lớp, cách bố trí thời gian làm bài tập, chuẩn bị bài mới ở nhà...

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Lê Thị Thúy Nga cho biết, 2 tháng nay, chủ yếu giáo viên dạy lớp 6 chỉ tập trung vào rèn nền nếp cho HS thay vì học kiến thức môn học. Để các em làm quen và bắt nhịp được với yêu cầu mới ở bậc THCS rất mất thời gian. Trong khi đó, yêu cầu bậc học này không đơn giản đọc thông viết thạo, mà phải thực sự chắc và giỏi ở ít nhất 2 môn Văn và Toán.

Phải nói rằng, sự lúng túng của HS ở bước chuyển cấp này phản ánh sự "vênh" trong giáo dục giữa 2 cấp học, cụ thể là sự thiếu đồng bộ trong đổi mới giáo dục. Ở đó, HS tiểu học được áp dụng Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT quy định về đánh giá HS tiểu học; trong khi bước chuyển lên lớp 6 "vập" ngay vào cách dạy và học truyền thống với bài kiểm tra, với điểm số... Đây chính là dấu hỏi lớn đang đặt ra với ngành GD&ĐT trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, để xóa bỏ cái "hẫng" cho HS lớp 6.