Bài khảo thí được thực hiện vào tối 14/5- trước khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè theo quyết định của UBND TP Hà Nội.
Trước đó, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã gửi kế hoạch đến hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận về việc tổ chức khảo thí trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 8.
Học sinh tham gia khảo thí bài Tiếng Anh trong thời gian 45 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm (học sinh Tiểu học); 60 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm (học sinh THCS).
Nội dung khảo thí nằm trong chương trình đã học với mức độ kiến thức: Nhận biết, thông hiểu 70%, vận dụng 20% và vận dụng cao 10%.
Mục đích đợt khảo thí giúp học sinh được làm quen hình thức kiểm tra trực tuyến, phụ huynh nắm bắt sức học của con, nhà trường đánh giá được hiệu quả giảng dạy và không tạo áp lực cho các bên.
Kết quả bài khảo thí là căn cứ để nhà trường, giáo viên tìm ra các điểm mạnh, tồn tại của học sinh; từ đó sẽ có biện pháp điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập củng cố cho học sinh trong những năm tiếp theo.
Để thực hiện được phần thi trực tuyến, các thầy cô đã chuẩn bị ngân hàng đề, ghép nội dung bài nghe vào Google form với đầy đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Thời gian, hình thức, cách thức làm bài được thông báo cụ thể, chi tiết đến từng phụ huynh và học sinh.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: “Buổi khảo thí đã diễn ra đúng kế hoạch với tổng số 29.335 lượt tham gia làm bài. Đây là sân chơi tự nguyện cho cả học sinh và phụ huynh. Do không lấy kết quả bài khảo thí vào xếp loại, hình thức làm bài trực tuyến, không giám sát nên có thể học sinh tự làm, có thể có cả phụ huynh trợ giúp. Sau khi nhấn nút “nộp bài”, phần mềm sẽ hiển thị luôn kết quả. Nhìn vào đó, học sinh sẽ biết kiến thức của mình đang ở đâu, thiếu phần nào. Như vậy, bài khảo thí là cơ hội để học sinh tự kiểm định kiến thức của chính mình; phụ huynh cũng nhìn thấy được học lực môn Tiếng Anh của con”.
Với khoảng 80% học sinh trên địa bàn quận Ba Đình tham gia làm bài, xét về tổng thể, đây là thành công bước đầu của ngành GD&ĐT quận Ba Đình bởi không chỉ giúp học sinh được tiếp cận với hình thức thi trực tuyến mà thầy cô cũng được nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
“Phòng GD&ĐT sẽ đánh giá hiệu quả của hình thức này để xem xét, duy trì định kỳ hàng năm cho môn Tiếng Anh và có thể mở rộng sang một số môn học khác từ năm học tiếp theo”- ông Lê Đức Thuận cho biết.