KTĐT - Theo nghiên cứu vừa được công bố của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, sau 5 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng của học sinh THPT giảm gần một nửa (từ 19,5% xuống còn 10,7%) nhưng tỷ lệ thừa cân/béo phì lại tăng gấp đôi (lên 11,7%).
Tại Hội nghị khoa học toàn quốc Hội y tế công cộng Việt Nam lần thứ VII diễn ra tại trường ĐH Y tế công cộng sáng ngày 27/4, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cùng với các đồng nghiệp, đã công bố kết quả nghiên cứu với sự tham gia của hơn 1.400 học sinh được chọn ngẫu nhiên tại 15 trường PTTH (độ tuổi từ 15-17) tại TPHCM trong 5 năm (2004-2009). Tất cả học sinh được đo cân nặng chính xác tới 100g, chiều cao được đo chính xác tới 0,1cm và được phỏng vấn bằng bảng câu hỏi soạn sẵn. Việc đánh giá tình trạng kinh tế gia đình dựa trên chỉ số tài sản.
Kết quả cho thấy:
Chiều cao của nam sinh đã tăng 1,2-2,4cm tùy nhóm tuổi trong khi chiều cao nữ sinh không có khác biệt đáng kể sau 5 năm. So với học sinh ngoại thành, vùng ven, chiều cao và cân nặng trung bình của học sinh nội thành cao hơn 3-4cm, nặng hơn 8,5-10kg; tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể gầy cũng thấp hơn từ 1,65-2,5 lần nhưng tỉ lệ thừa cân lại cao hơn gấp 2-5 lần.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thì tốc độ phát triển kinh tế khác nhau ở hai vù.ng nội và ngoại thành có thể là yếu tố chính ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người dân ở các khu vực này.
So sánh về giới, nam sinh có tỷ lệ gầy cao gấp đôi nữ và tỷ lệ TC/BP cao gấp 3 lần nữ sinh. Trong khi đó, nữ sinh lại có tỷ lệ thấp còi cao gấp rưỡi so với nam sinh. Sự khác biệt về tình trạng dinh dưỡng giữa nam và nữ có thể do nam sinh ít quan tâm đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng hơn so với nữ.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của HS THPT là cần thiết để định hướng can thiệp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giống nòi. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chúng ta cần thiết lập các chương trình phòng chống SDD ở HS vùng ngoại thành và phòng chống TC/BP ở HS nội thành TPHCM.