Sự lựa chọn
Có thể kể những người thành công trên con đường học nghề của trường Cao đẳng (CĐ) Điện tử điện lạnh Hà Nội như Bùi Bá Quang, Ngô Doãn Vấn, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Xuân Cường…
Chia sẻ về lựa chọn con đường học nghề, Bùi Bá Quang - quyền Giám đốc Siêu thị Trần Anh cho hay: “Thời điểm năm 2000, tự thấy kiến thức của mình không thể thi đỗ vào ĐH như mong muốn, tôi đăng ký học nghề. Trước khi vào học hệ TC của CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội, tôi đã tìm hiểu nhiều người và biết học TC hay CĐ có thời gian thực hành nhiều hơn để ra trường có tay nghề. Từ lớp 9, tôi đã được làm quen với máy tính, thích mày mò về công nghệ, nên tôi chọn trường ngành tin học ứng dụng”.
Năm 2002, tốt nghiệp loại khá, Quang được trường giữ lại làm nhân viên kỹ thuật IT và dạy sửa chữa máy tính. Muốn làm giáo viên thì phải có bằng ĐH, vì thế vừa làm Quang vừa tiếp tục học ngành Điện tử tin học hệ tại chức, ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, trước khi tốt nghiệp một năm, vì lý do gia đình, Quang chuyển hướng đi ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng của Siêu thị Trần Anh.
Mặc dù biết đây là quyết định mạo hiểm vì thời điểm ấy các công ty lớn như Trần Anh tuyển dụng nhân sự rất gắt gao. Hơn thế Quang lại không có kỹ năng bán hàng... Nhưng với những nỗ lực học hỏi không ngừng, đến nay, Bùi Bá Quang đã có một vị trí nhất định trong công ty.
Con đường học nghề của Ngô Doãn Vấn cũng long đong khi giấc mơ vào ĐH không thành. Doãn Vấn vào miền Nam 2 năm làm đủ nghề từ bảo vệ, bồi bàn, trông xe, nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Vấn hiểu muốn có tiền, thoát nghèo thì phải có nghề. Và năm 2006, Vấn quyết định trở ra Bắc để “làm lại từ đầu” bằng việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ TC ngành Điện lạnh và điều hòa không khí, trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội.
Và thành công
Giờ đây, Ngô Doãn Vấn thấy tạm hài lòng với sự lựa chọn ngành nghề của mình cũng như đã bước đầu thành công với nghề đã chọn. Tại trụ sở giao dịch của Công ty TNHH Điện lạnh Long Anh (đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân),
Vấn tâm sự: “Lúc mới ra trường, em sửa chữa điều hòa, kiêm luôn lắp đặt cho các hộ gia đình. Thế rồi, do nhu cầu khách hàng ngày một nhiều, trong đó có cả các công ty, DN, cho nên năm 2011, khi ở tuổi 25, được sự ủng hộ và hỗ trợ từ gia đình, em chính thức mở Công ty Điện lạnh Long Anh là nhà thầu - nhà phân phối chuyên nghiệp các sản phẩm và vật tư về điện lạnh”.
Chia sẻ về khách hàng của công ty, Vấn cho biết, mùa cao điểm từ cuối tháng 4 đến tháng 9, công ty khá đông khách, thậm chí có những ngày không đủ nhân lực đi giao hàng, lắp đặt theo yêu cầu. Những tháng khác, công việc kinh doanh cũng đều đặn, nên mức lương của 12 nhân viên dao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ở thời điểm này, Vấn nhận ra, tấm bằng ĐH là bước đệm rất tốt để xin việc cũng như có cơ hội tiếp cận nguồn việc dễ dàng hơn. Nhưng nếu trượt ĐH, cũng vẫn có nhiều cơ hội thành công khi cố gắng chọn cho mình một nghề phù hợp, có tư duy, ý chí và sự nhiệt tình học tập cũng như trải nghiệm.
Bùi Bá Quang - quyền Giám đốc Siêu thị Trần Anh, đi lên từ nhân viên tư vấn bán hàng cũng đồng tình, nếu có đủ kiến thức và tự tin học ĐH thì sẽ được trang bị nền tảng và tư duy tốt hơn học TC. Nhưng đó chưa phải là vấn đề cốt lõi, mà quan trọng là xác định mục tiêu, sở thích rồi chọn ngành thích hợp để ra trường tìm được công việc phù hợp nhất.
Rõ ràng, ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, mà quan trọng với mỗi người trẻ hiện nay là việc định hướng nghề nghiệp và sự nỗ lực của bản thân với nghề mình đã chọn.
Giờ thực hành kỹ thuật tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|