Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội DNT Hà Nội kiến nghị đưa nguồn tín dụng đến trúng, đúng đối tượng

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HanoiBA đề xuất các cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách, trong tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 để đưa nguồn tín dụng mới được Ngân hàng nhà nước nới room đến trúng, đến đúng đối tượng. Đồng thời có giải pháp căn cơ để tránh lặp lại vấn đề thiếu vốn, hết room...

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long nêu đề xuất tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng 
Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long nêu đề xuất tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng 

Khó khăn dồn hết về cuối năm

Sáng 14/12, tại hội nghị ''Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022'', đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) - Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Long (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long) đánh giá, 2022 có thể coi là một năm biến động hết sức phức tạp đối với Việt Nam.

Ngay sau khi kết thúc đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lại tiếp tục u ám bởi xung đột vũ trang, đứt gãy nguồn cung, nguy cơ lạm phát toàn cầu... Trong bức tranh u ám đó, Việt Nam trở thành điểm sáng khi tăng trưởng GDP liên tục đạt cao, thuộc nhóm các quốc gia có lạm phát thấp trên thế giới, kết quả sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, tình hình của khu vực doanh nghiệp trong nước khi bước vào Quý IV/2022 không còn khả quan như đà thăng tiến của bức tranh chung. Hàng loạt những vấn đề đột ngột nảy sinh, đổ dồn vào cùng một thời điểm.

Ông Nguyễn Phúc Long phân tích, đầu tiên phải kể đến đơn hàng giảm sút; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý III/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng... Nguyên nhân chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách ''Zero Covid'' khiến thị trường khổng lồ Trung Quốc gần như đóng băng, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi. Ngoài ra, xuất nhập khẩu gặp lao đao do chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường quốc tế.

''Một vấn đề vô cùng khó khăn khác đối với doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền. Điệp khúc khát vốn, thiếu tiền liên tục được lặp đi lặp lại trong hơn một tháng qua. Hàng loạt các vấn đề về tiền tệ, từ hết room tín dụng, nâng cao lãi suất lo chống lạm phát, thị trường chứng khoán đi xuống, trái phiếu doanh nghiệp nhiều sai phạm, giải ngân đầu tư công chậm xuất hiện cùng một thời điểm..." - Phó Chủ tịch HanoiBA phân tích.

Trong hoàn cảnh doanh nghiệp phải chạy đua để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, công nợ không thể thu hồi, chuẩn bị các khoản lương thưởng cho người lao động dịp Tết đang thực sự trở thành nỗi đau với cộng đồng doanh nhân hiện nay.

Ông Nguyễn Phúc Long thông tin thêm, có đơn vị trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm 80% lao động, có nơi, chủ doanh nghiệp đang phải bán cả tài sản cá nhân để duy trì lao động, dừng luôn việc tham gia các hoạt động Hội, xã hội để đương đầu với giai đoạn khó khăn hiện nay.

Quang cảnh Hội nghị sáng 14/12. Ảnh: Phạm Hùng
Quang cảnh Hội nghị sáng 14/12. Ảnh: Phạm Hùng

Ưu tiên giải ngân vốn cho các doanh nghiệp sản xuất

Từ những thách thức trên, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã gửi tới Hội nghị những đề xuất nhằm gỡ vướng cho cộng động doanh nghiệp hiện nay.

Theo đó, HanoiBA đề xuất các cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách, trong tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 để đưa nguồn tín dụng mới được Ngân hàng nhà nước nới room đến trúng, đến đúng đối tượng. Đồng thời cũng có giải pháp căn cơ để tránh lặp lại vấn đề thiếu vốn, hết room trong những năm tiếp theo; Điều tiết hoạt động tín dụng ngân hàng một cách phù hợp, tránh để lãi suất leo cao, gia tăng áp lực lên doanh nghiệp đi vay.

Ưu tiên giải ngân vốn cho doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất, những dự án bất động sản đang hoàn thành tiến độ xây dựng để giải quyết thanh khoản cho giai đoạn cấp bách cuối năm

Có biện pháp để quản lý hiệu quả, khơi thông, đảm bảo tính minh bạch của các kênh dẫn vốn ngoài tín dụng như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Trong điều kiện dự báo khó khăn còn kéo dài, HanoiBA đề xuất Thành phố có kiến nghị với Chính phủ để xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Đồng thời, có những sáng kiến mới để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi.

Chia sẻ thêm về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Long cho biết Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã và đang nỗ lực để hỗ trợ hội viên giải quyết khó khăn.

Với quan điểm phải đi vào thực chất, Hội đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội khối, kết nối để hội viên mua bán sản phẩm lẫn nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2022, giá trị mua bán trong nội bộ Hội đạt con số 150 tỷ đồng. Sang năm 2023, Hội sẽ tiếp tục đặt trọng tâm để kết nối hội viên tiếp xúc nhiều hơn nữa thông qua các đơn mua, các chương trình triển lãm, hội trợ nội bộ, pitching sản phẩm...

"Thời điểm khó khăn cũng là lúc để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc, điều chỉnh chiến lược hoạt động, nhằm thích nghi với những biến động trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch HanoiBA nhấn mạnh.