Mục đích của hội nghị lần này chủ yếu tập trung vào các biện pháp nhằm “cải thiện tương lai của nền kinh tế toàn cầu.”
Hội nghị cấp cao G20 diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị, kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn. Hoạt động kinh tế toàn cầu không có gì sáng sủa. Sáu năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều và phải đối mặt với một loạt thách thức.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa một số nhà lãnh đạo G20 đang căng thẳng do những tranh cãi trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Nhiều nền kinh tế cũng bị chi phối bởi những cuộc xung đột triền miên mà nguy cơ không còn nằm gọn trong vấn đề kinh tế.
Vai trò Chủ tịch G20 được Australia đón nhận đúng vào giai đoạn có thể coi là chuyển tiếp của G20. Diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới này đang định vị lại bản thân khi bước ra từ mô hình quản lý khủng hoảng và hướng tới vai trò ổn định về lâu dài.
Trên thực tế, G20 đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt, rằng đây chỉ là một diễn đàn “nói suông” và hội nghị ở Brisbane năm nay cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Tuy nhiên, những gì Australia đã làm và định hướng đang tạo ra nhiều kỳ vọng.
Chiến lược tăng trưởng của G20 bao gồm cải cách cả về kinh tế vĩ mô và cấu trúc phù hợp với từng nước: tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh; tăng cường tạo việc làm. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, G20 Brisbane 2014 cũng sẽ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu, như cải cách quy định tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế, cải cách các thể chế toàn cầu, đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng, các biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng.
Trong thời gian tới, thế giới cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn và kiểm soát một cách có trách nhiệm. Australia đã đi đầu trong các cam kết nâng tốc độ tăng trưởng 2% trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một bước phát triển quan trọng, giúp tăng thêm hơn 2.000 tỷ AUD (khoảng 1.742 tỷ USD) cho GDP toàn cầu, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Để đạt được mục tiêu này không phải dễ dàng và đòi hỏi các nước phải đưa ra những quyết định khó khăn về cải cách cơ cấu. Tín hiệu đáng mừng là các nước đã hưởng ứng với hơn 1.000 biện pháp được nêu ra. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định rằng mục tiêu 2% có thể đạt được thông qua các biện pháp trên. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo rằng những cam kết đó sẽ biến thành hành động.
Tăng trưởng mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải được củng cố bằng đầu tư lớn hơn. Theo OECD, 70.000 tỷ USD đầu tư là cần thiết vào năm 2030 để giải quyết lỗ hổng về tài chính đang ngày một phình to trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, thúc đẩy đầu tư chất lượng về tài sản mới là một thách thức cho tất cả các quốc gia.
Tận dụng tính cân bằng trong các tổ chức quốc tế hiện nay cũng là một bước đi đúng hướng. Nguồn lực bổ sung cho tài chính khu vực công là rất quan trọng, điển hình là Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mới được thành lập có trụ sở ở Trung Quốc. Các tổ chức quốc tế như vậy có thể đóng góp đáng kể cho tài chính khu vực, miễn là hoạt động phải minh bạch, đúng mục đích.
Các nước G20 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực tư nhân. Chi tiết về hành động cụ thể để thúc đẩy đầu tư, kể cả thông qua việc tạo ra một trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu, cũng cần được cân nhắc tại hội nghị.
Australia đã đề ra một chương trình nghị sự G20 chặt chẽ và tập trung vào nền tảng kinh tế, cho thấy sự tiến bộ quan trọng trong cải cách quản lý tài chính và hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế. Những sáng kiến này sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, bảo vệ nền kinh tế toàn cầu và ngân sách quốc gia trước những cú sốc trong tương lai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AAP)
|