Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị CPTA 16: Tạo sức hút cho điểm đến châu Á

Hồ Hạ - Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Xúc tiến du lịch các TP thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16), không chỉ giúp Hà Nội giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Thủ đô năng động, thân thiện, mến khách mà còn là diễn đàn lớn giúp các TP thành viên đẩy mạnh liên kết, chung tay tạo sức hấp dẫn cho điểm đến châu Á.

Học hỏi kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến
Tại hội nghị, Hà Nội đã quảng bá tiềm năng du lịch, truyền thống văn hoá lịch sử, các điểm đến du lịch, các sản phẩm và dịch vụ du lịch với những hình ảnh ấn tượng trong clip dài 15 phút. Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty Hanoitourists Phùng Quang Thắng đã quảng bá tới các đại biểu, DN du lịch các TP thành viên CPTA sản phẩm du lịch mới mang tên “Khám phá Hà Nội cùng máy ảnh cổ” do 6 công ty du lịch của Hà Nội cùng xây dựng.
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh
Trải nghiệm tour này, du khách sẽ được khám phá những nét cổ kính, những bí ẩn của Hà Nội cùng những chiếc máy ảnh cổ. Trước tiên, du khách sẽ được làm quen và học cách chụp bằng máy cổ trong khoảng 75 phút tại một quán cà phê tuyệt đẹp. Sau đó, các “thượng đế” sẽ được tới những địa điểm cổ kính của Hà Nội và ghi lại hình ảnh bằng máy ảnh cổ. Sau đó, họ sẽ được thưởng thức những món chè, rồi đến nơi tráng phim làm ảnh và sở hữu những tác phẩm do chính họ chụp. Đây là tour ngắn, nhưng chắc chắn sẽ mang những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, độc đáo cho du khách. Chuyên gia Sở Thông tin và Du lịch Đài Bắc Chuen Huey Jiang đánh giá, đây là tour du lịch rất đặc biệt và cho biết nếu có điều kiện về thời gian, chắc chắn bà sẽ khám phá Hà Nội theo cách này.

"Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (được viết tắt là CPTA) gồm các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch thuộc 10 TP thành viên trong mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21): Tokyo, Bangkok, New Delhi, Kuala Lumpur, Jakarta, Seoul, Đài Bắc, Metropplitan Manila, Tomsk và Hà Nội. Trong đó, Giám đốc Cục Lao động và Công nghiệp Tokyo là Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á và Ban Thư ký Hội đồng là đơn vị thường trực của Hội đồng nằm trong cơ quan này.

Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Hà Nội, tôi đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền TP, đặc biệt là việc tái lập Sở Du lịch Hà Nội. Trong đó phải kể đến việc Hà Nội chi 2 triệu USD quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam trên kênh CNN. Việc làm này cần được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Mặt khác, cần tiếp tục hợp tác công tư giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với DN để tham gia nhiều sự kiện quảng bá du lịch Hà Nội cả trong nước và quốc tế. Ngoài ta, trước đây Hà Nội có nhiều sự kiện lớn như: Festval Áo dài, Ký ức Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề, lễ hội hoa… cần được duy trì để tạo sức hấp dẫn cho điểm đến Thủ đô." - Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt

"Giống như Hà Nội, TP Tokyo của Nhật Bản cũng đem tới cho du khách những cảm nhận rõ rệt về sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Đây chính là lý do chính quyền TP quyết định chọn biểu ngữ với tên gọi "Tokyo – Tokyo: Sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại" cho chiến dịch quảng bá du lịch. Có thể khẳng định, với lịch sử hơn 400 năm xây dựng và phát triển, Tokyo sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch. Trong đó, phải kể tới những ngôi đền, chùa cổ, khu vườn truyền thống hay những khu vui chơi giải trí hiện đại… Chính điều đó đã làm nên nét tương phản giữa cổ điển và hiện đại của TP Tokyo. Bên cạnh đó, để tiếp tục thu hút thêm khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền TP Tokyo đã quyết định xây dựng Trung tâm tư vấn đa ngôn ngữ trực 24/24 giờ. Trung tâm hoạt động với mục tiêu khách quốc tế tới Tokyo không gặp rào cản về ngôn ngữ. Đồng thời, thiết lập những bảng tra cứu thông tin du lịch ngoài trời.

Giám đốc cấp cao Cục Công nghiệp và Lao động, Chính quyền đô thị Tokyo Hiroyasu Onuma

Hà Nội là một trong những đối tác quan trọng của Jakarta, nhất là trong các dự án chung xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Nội và Jakarta nên cùng hợp tác để xúc tiến mở đường bay thằng từ Jakarta tới Hà Nội và ngược lại, điều này sẽ tạo cơ hội giúp hai bên cùng phát triển du lịch cũng như thu hút thêm du khách." - Trưởng bộ phận Tiếp thị và Điểm đến thuộc Cơ quan Văn hóa và Du lịch Jakarta (Indonesia) Hari Wibowo

Không chỉ là cơ hội quảng bá du lịch Hà Nội, CPTA còn là cơ hội cho ngành du lịch Thủ đô học hỏi kinh nghiệm của các TP thành viên. Theo các chuyên gia du lịch, mỗi TP đều có cách riêng để quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Một trong những điều Hà Nội thua kém là chưa làm tốt công tác số liệu thống kê về du lịch, khi những con số còn khá chung chung. Trong khi đó, một số TP thể hiện những số liệu rất chi tiết để nói lên được điểm đến của họ đặc sắc ở điểm nào. Mặt khác, mỗi TP đều có những clip rất ấn tượng, đặc biệt là Nhật Bản, cho thấy sự đầu tư công phu cả về ý tưởng lẫn hình thức thể hiện. Đặc biệt, người thuyết trình có nghiên cứu rất kỹ về địa phương của họ, điều đó cho thấy sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị khác nhau vào hoạt động du lịch một cách đồng bộ.
Quảng bá đối ứng hiệu quả

Chưa hết, CPTA còn mở ra cơ hội hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các TP thành viên một cách hiệu quả và ít tốn kém chi phí nhất. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sau CPTA 15 năm 2016, Hà Nội đã thực hiện quảng bá đối ứng giữa Hà Nội và TP Tokyo trong 2 năm. Theo đó, phía Tokyo đã treo hàng ngàn áp-phích quảng cáo du lịch Hà Nội trong các toa tàu điện ngầm; quảng cáo du lịch Hà Nội trên 20 bảng led tại nhà ga tàu điện ngầm Toei và 4 tuyến tàu điện ngầm của Tokyo gồm: Asakusa Line, Mita Line, Shinjuku Line và Oedo Line. Trong khi đó, Hà Nội chiếu clip 30s quảng bá du lịch Tokyo tại màn hình led khu vực đền Bà Kiệu, rạp Kim Đồng; đăng bài viết quảng bá du lịch Tokyo trên báo chí; treo 4 tấm áp phích khổ lớn quảng cáo du lịch Tokyo. Chương trình này cho thấy những hiệu quả rõ nét.

Theo số liệu Sở Du lịch Hà Nội cung cấp, năm 2014, do hiệu ứng quảng bá của TP Hà Nội, lượng khách Nhật bản đến Hà Nội tăng 16%, đạt khoảng 218.000 lượt khách, đứng thứ 3 trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội. Năm 2015, lượng khách Nhật Bản đến Hà Nội tăng khoảng 5% đạt 228,6 ngàn lượt. Năm 2016, tăng 4% đạt 238.000 lượt. Sau 2 năm, khách du lịch Nhật Bản luôn giữ vị trí top 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội. Năm 2017, khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội là 290.170 lượt khách, tăng trưởng 22% so với năm 2016. 7 tháng đầu năm 2018, du lịch Hà Nội đã đón 166.437 lượt khách Nhật Bản, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khách Nhật Bản đến Hà Nội chiếm thị phần khá với khoảng từ 30 – 32% tổng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam.

Hầu hết các công ty lữ hành Hà Nội chuyên đưa đón khách Nhật Bản du lịch Việt Nam đều cho hay, khách du lịch Nhật Bản có khả năng chi tiêu cao, thường lưu trú tại các khách sạn từ 4 sao, 5 sao. Họ yêu cầu các dịch vụ du lịch chất lượng cao và sẵn sàng chi trả tương xứng. Với thời gian trung bình khoảng 3 - 4 ngày lưu trú tại Hà Nội cho mỗi hành trình du lịch Việt Nam, mỗi khách chi tiêu trên 1.100USD cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí tại Hà Nội. Đây là mức chi tiêu khá cao so với các khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường khác trên thế giới ở Hà Nội. Nhận thấy hiệu quả rõ nét từ chương trình quảng bá đối ứng, hiện, đại diện Sở Du lịch Hà nội cho hay, Sở Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu để đề xuất quảng bá đối ứng với Thủ đô của Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia trong thời gian tới.

Đạt nhiều thỏa thuận quan trọng

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch CPTA Yuji Fujita cho biết, sau hội nghị nội bộ các TP thành viên CPTA, hội đồng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với mục tiêu nhằm đạt được sự thịnh vượng và phát triển mạng lưới du lịch cho các TP thành viên. Thời gian tới, các TP thành viên CPTA sẽ triển khai nhiều dự án chung như: Tăng cường quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân về sự hấp dẫn du lịch của các TP; tiếp tục quang bá chiến dịch thông qua việc sản xuất và sử dụng các mặt hàng có liên quan; chia sẻ các phương pháp hay nhất để thiết lập thương hiệu như một điểm đến du lịch; xúc tiến chiến dịch quảng bá thông qua việc sử dụng các thương hiệu như một điểm đến du lịch; lập kế hoạch và vận hành hiệu quả hoạt động của website; thúc đẩy trao đổi giao lưu giữa thế hệ trẻ.

Nhấn mạnh về những kế hoạch mà cả 10 TP thành viên của CPTA cần phải thực hiện trong thời gian tới, ông Khairul Anuar Bin MHD.Juri - Giám đốc Sở Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Kuala Lumpur (Malaysia) khẳng định, khu vực châu Á là nơi tập trung đa phần những nền văn hóa và di sản truyền thống lâu đời, do vậy nếu muốn thúc đẩy phát triển du lịch. Các TP thành viên CPTA cần đưa ra những chương trình hợp tác chung. Điển hình như việc tăng cường quảng bá du lịch tại cả 10 TP thành viên. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực trẻ, bởi họ là những người am hiểu về công nghệ thông tin. Xây dựng những chương trình xúc tiến du lịch với sự tương tác trên mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, sử dụng những từ khóa, ví dụ như CPTA 2020.

Đối với khách du lịch châu Âu và châu Mỹ, họ rất coi trọng những vấn đề liên quan tới di sản văn hóa, đây là thế mạnh của các nước châu Á, do vậy các nước thành viên cần nhấn mạnh vào yếu tố này khi muốn thu hút khách du lịch từ những khu vực châu Âu và châu Mỹ. “Tôi cho rằng, các TP thành viên cần tích cực hơn trong các dự án hoạt động chung, bởi nó hoàn toàn miễn phí và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bằng việc kết hợp nguồn lực như vậy, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong phát triển du lịch” - ông Khairul Anuar Bin MHD.Juri nhấn mạnh.