Với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua 5/8 Chương trình công tác toàn khóa. Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo
Trong phiên làm việc buổi sáng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã trình bày dự thảo Chương trình số 01 “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và tổ chức Đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp TP giai đoạn 2016 - 2020 thực sự trong sạch, vững mạnh”. Dự thảo Chương trình 01 xác định các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, phấn đấu hàng năm có trên 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; trên 70% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp trên 12.000 đảng viên mới. Về chất lượng cán bộ, Thành ủy đặt mục tiêu 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% cán bộ cấp xã, phường, thị trấn đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên; cán bộ diện Ban thường vụ các cấp ủy quản lý đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 10% trở lên, cán bộ nữ 15% trở lên. Đặc biệt, đến năm 2020, toàn TP phải tinh giản được tối thiểu 10% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức TP được giao năm 2015. Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nói trên, Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội đã đề ra 3 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, công tác cán bộ của TP phải thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện. Đó là tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị gắn với hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu thí điểm việc sắp xếp thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không phù hợp; kiên quyết không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. TP cũng sẽ tiến hành thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành; chủ động xây dựng và thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy hoạch, với tầm nhìn dài hạn; kết hợp điều động, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương… Góp ý cho dự thảo Chương trình 01, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, chỉ tiêu cán bộ trẻ nữ diện Ban thường vụ các cấp ủy quản lý đảm bảo 15% trở lên nhiều cấp ủy sẽ đạt, nhưng riêng chỉ tiêu cán bộ trẻ đảm bảo 10% trở lên sẽ đòi hỏi các cấp ủy phải phấn đấu, quan tâm nhiều hơn trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, đặc biệt nếu “cán bộ cao tuổi biết hy sinh vì thế hệ trẻ thì chúng tôi tin chắc sẽ đạt được chỉ tiêu”.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 39 và Kế hoạch 05 của Thành ủy, ông Hoàng Công Khôi đề nghị cần nhấn mạnh rõ hơn đến 4 vấn đề, đó là tinh giản tổ chức bộ máy, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng chính phủ điện tử. Ông Khôi cũng đề cập đến tình trạng nhiều cán bộ bố trí không đúng chuyên môn, sở trường, cán bộ cố gắng chạy vào trường nào đó dễ thi, dễ học để có được cái bằng cho đủ yêu cầu về bằng cấp. Vì thế, trong công tác đào tạo cán bộ sắp tới phải đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng quy hoạch. Về điều động, luân chuyển cán bộ, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, nhiệm kỳ qua Thành ủy làm rất tốt công tác này, qua đó, bồi dưỡng, đào tạo, trau dồi kiến thức thực tiễn cho cán bộ, nhưng phải tránh tình trạng “chạy để được luân chuyển”. Về nội dung này, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Lê Thị Thu Hằng tin tưởng: “Tinh giản 10% tổng biên chế, đây là chỉ tiêu tối thiểu chúng ta sẽ thực hiện được. Có những việc TP làm từ lâu thành nếp quen không dễ dàng, nhưng thực hiện Đề án 06, hơn 1 năm đã giảm được 30% số tổ dân phố, sáp nhập trên 1.000 chi bộ, giảm đáng kể đội ngũ cán bộ cơ sở, vẫn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Năm 2020, có 15 huyện, thị xã đạt nông thôn mới Nghe và thảo luận về Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, các đại biểu thống nhất cao với các mục tiêu được đưa ra. Đó là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, TP có 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 15 huyện, thị xã trở lên đạt nông thôn mới. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%. Góp ý cho dự thảo Chương trình 02, các đại biểu cho rằng phần đánh giá kết quả trong giai đoạn 2011 - 2015 cần khái quát hơn; chỉ rõ hơn cơ chế khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cũng như liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục quy hoạch xây dựng các khu sơ chế, chế xuất sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn… Về nguồn lực đầu tư, theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, đối với các huyện, việc cân đối ngân sách rất khó khăn, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ đấu giá đất, song hiện nay quy trình đấu giá mất rất nhiều thời gian, chính vì thế, TP cần nghiên cứu tăng cường phân cấp cho huyện trong công tác xác định địa điểm quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, xác định giá khởi điểm, tăng diện tích huyện được tổ chức đấu giá để tạo chủ động cho địa phương. Cùng với đó là tăng tỷ lệ điều tiết cho các huyện khó khăn về thu ngân sách. Đề cập đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu vẫn là cây lúa, Chủ tịch Hội Nông dân Trịnh Thế Khiết cho rằng cần phải có đánh giá tổng thể, từ đó có những cơ chế khuyến khích các DN cùng nông dân đầu tư công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản xuất. Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tiếp nối những kết quả trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Khóa XV, trong giai đoạn này, Thành ủy đặt ra yêu cầu, chỉ tiêu cao hơn so với tiêu chuẩn của T.Ư, như 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng… Nâng cao chất lượng thực thi công vụ Là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua, nên Chương trình số 08 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức giai đoạn 2016 - 2020” được các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp. Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải mạnh dạn đề nghị đổi tên Chương trình là “Đột phá về cải cách hành chính nhằm tạo sự thay đổi toàn diện”, nhằm thể hiện quyết tâm cao độ của TP, để nhiệm kỳ sau sẽ không cần phải “đẩy mạnh” trong lĩnh vực này nữa. Ông Hải cũng đề xuất đổi mới phương thức, chất lượng đào tạo cán bộ và TP có cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài làm trong bộ máy chính quyền. Đề cập cụ thể đến các chỉ tiêu, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi đến cuối năm 2017, TP sẽ cung cấp từ 40 – 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đến năm 2020 cung cấp từ 70 – 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại tất cả các sở, ngành, cấp huyện và cấp xã. Bí thư quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho rằng, từ thực tế tại địa phương cho thấy, rào cản thực hiện dịch vụ công mức độ 3 do các DN, người dân chứ không phải bộ máy chính quyền. Đơn cử như việc nộp hồ sơ xin phép xây dựng, yêu cầu phải có bản vẽ, mà rất ít người dân có máy scan, nên khó gửi qua mạng được. Vì vậy, cần “chia” chỉ tiêu này cụ thể ra đối với DN và người dân, đảm bảo tính khả thi hơn. Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh để tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công vụ. Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng các chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành. UBND TP cũng chủ động sắp xếp bộ máy lại bộ máy Văn phòng UBND, thu gọn từ 12 xuống còn 7 phòng, gồm 1 trưởng phòng và số lượng phó phòng theo quy định; một số phó phòng trước kia được giữ nguyên lương, chế độ trong 24 tháng và làm việc như chuyên viên. Điều đó thể hiện sự quyết tâm rất cao từ cơ quan công quyền cao nhất của TP. Giải đáp băn khoăn về thực hiện dịch vụ công, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP đã thực hiện thí điểm tại hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm, kết quả tương đối tốt. Đồng thời, từ 1/6/2016 cũng sẽ cấp phép cho DN qua mạng. Hiện hơn 500 xã, phường, thị trấn cũng đã lắp xong đường truyền, sẵn sàng phục vụ DN, người dân. Do đó, chỉ tiêu đặt ra là hoàn toàn khả thi. Sắp tới, TP triển khai chương trình thanh toán qua mạng (trả tiền điện, nước) và cán bộ, công chức gương mẫu làm trước. Đây đều là những đối tượng có tài khoản, thẻ ngân hàng nên cũng sẽ thuận lợi và giảm được nhân lực cho một số lĩnh vực. Văn hóa Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa cả nước Chiều cùng ngày, thảo luận Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, các đại biểu đều cơ bản đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các chỉ tiêu về nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng và số trường học xây mới cần xem xét, căn chỉnh cho phù hợp. Bí thư quận ủy Cấu Giấy Lê Văn Luân chia sẻ, nếu 100% các làng, thôn có nhà văn hóa thì khả thi, nhưng tại các tổ dân phố của các quận thì rất khó bởi thiếu quỹ đất. Tương tự như vậy là trường học. Hiện nhiều quy hoạch trường học bị phá vỡ do sự gia tăng dân số quá nhanh. “Chúng ta phải tôn trọng quy hoạch, dù thiếu nguồn lực, nhưng còn đất thì sau này vẫn có thể làm được. Nên đẩy nhanh tiến độ di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô và dành đất làm dịch vụ công, đừng xây chung cư nữa” - ông Luân nói. Tham gia ý kiến vào dự thảo Chương trình, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Nguyễn Thị Tuyến đề nghị phải sớm xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, coi đây là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống người Hà Nội. Bà Tuyến nhấn mạnh: “Để làm được điều đó, cần có chế tài xử lý cụ thể đi kèm, bởi nếu cứ kêu gọi, tuyên truyền không thôi sẽ rất khó. Như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm xe máy trước kia, cùng với tuyên truyền là xử phạt, nên chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã chấp hành nghiêm túc”. Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Sở VHTT đang chủ trì xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Tới đây, TP sẽ đưa dần từng phần vào áp dụng, trước mắt là cán bộ, công chức nơi công sở, chứ không đưa cả bộ quy tắc đồ sộ ra ngay và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng tình với việc phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để đầu tư cho thỏa đáng, hiệu quả. Bên cạnh đó, có giải pháp, cơ chế để tăng cường xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời thực hiện phân cấp, phân nhiệm rõ ràng để triển khai Chương trình, hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa cả nước.
Càng những xã về sau việc thực hiện xây dựng nông thôn mới lại khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn nên yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong Chương trình lần này, Thành ủy yêu cầu các quận có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho các huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - Ngô Thị Thanh Hằng Nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ thông tin cần phải bài bản, chất lượng hơn. Theo đó, TP phấn đấu trong năm 2016, 12.000 cán bộ, công chức từ các sở, ngành, quận, huyện đến xã, phường đều phải đạt trình độ C về công nghệ thông tin và có quy chế để thủ trưởng đơn vị đôn đốc nhiệm vụ này. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung |
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội Khóa XVI. Ảnh: Thanh Hải |
Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội Chiều cùng ngày, hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ TP cũng đã thống nhất thông qua Chương trình số 05 về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới giai đoạn 2016 - 2020”. Chương trình đề ra nhiệm vụ, giải pháp là nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu đối với công tác đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Thủ đô. Kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu với Nhân dân; có quy định, chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương nếu để xảy ra những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến. Xây dựng và củng cố thế trận an ninh Nhân dân, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm… |