Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý, là đạo luật gốc của Nhà nước ta. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, Quốc hội khoá XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với thời kỳ phát triển mới.

Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta, vì vậy, sau khi Hiến pháp được thông qua, nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua với 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992.

Bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, thể hiện rõ mục tiêu dân chủ và khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã trình bày Chỉ thị của Ban Bí thư về việc thi hành Hiến pháp và định hướng tuyên truyền trong thời gian tới.

Theo đó, các cơ quan truyền thông cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, xuất bản các ấn phẩm, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và các nội dung Hiến pháp sửa đổi; thường xuyên thông tin, phản ánh các hoạt động nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Hiến pháp; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Hiến pháp; tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, nhân dân ý thức và tinh thần tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đồng thời, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc việc triển khai thi hành Hiến pháp. Các cấp, các ngành cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, việc triển khai thi hành phải bảo đảm đạt và vượt tiến độ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Cụ thể, phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tất cả các quy định của Hiến pháp phải được thực hiện. Những quy định đang được cơ quan Nhà nước thực hiện, nay Hiến pháp mới quy định giao cho đơn vị khác thì phải chuyển giao ngay. Các luật, pháp lệnh có hiệu lực phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp từ 1/1/2014. Các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên tổ chức thực hiện, uốn nắn những lệch lạc để những quy địnhcủa Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các cơ quan phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện Hiến pháp của cơ quan, đơn vị mình với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị. Trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp cần đề cao vai trò của cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về Hiến pháp đến với nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương được Ban Bí thư giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này nên cần đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc triển khai thi hành Hiến pháp đi vào cuộc sống thực sự hiệu quả.