Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị về hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức phi chính phủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị diễn ra sau khi Chương trình quốc gia về xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 28/11, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài do Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức, đã khai mạc tại Hà Nội. 

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng; hơn 350 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà tài trợ, Đại sứ quán, các cơ quan hợp tác song phương, đa phương và khoảng 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ hợp tác với Việt Nam.

 
Toàn cảnh Chủ tịch Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN)
Toàn cảnh Chủ tịch Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN)
Phát biểu tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi lời chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị; bày tỏ sự đánh giá cao và chân thành cảm ơn về sự hợp tác hiệu quả, sự giúp đỡ quý báu của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với Việt Nam trong 10 năm qua (2003-2013). 

Phó Thủ tướng đã chia sẻ về những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam thời gian qua; cho rằng nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo. 

Nhấn mạnh đến trọng tâm ưu tiên cho phát triển bền vững, nâng cao trình độ khoa học công nghệ và khắc phục những khó khăn còn tồn tại, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mở rộng hơn nữa sự hợp tác và giúp đỡ Việt Nam. 

Khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi, cũng như cải thiện hơn nữa môi trường pháp lý phù hợp cho hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng Hội nghị lần này diễn ra sau khi Chương trình quốc gia về xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ cùng nhau bàn, tìm ra biện pháp thích hợp để tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị chân thành và cởi mở đã được hình thành từ nhiều năm qua. 

Phó Thủ tướng đã đưa ra bốn gợi ý để các đại biểu trao đổi, bàn biện pháp tăng cường quan hệ trong thời gian tới.

Một là tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển với Việt Nam trong giảm nghèo, phát triển và hội nhập quốc tế. 

Hai là phối hợp với các cơ quan và địa phương của Việt Nam xây dựng và triển khai các dự án thiết thực, hướng vào các ưu tiên về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam theo Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017. Trước kết là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục, ngăn chặn dịch bệnh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh. 

Ba là mở rộng sự giúp đỡ phát triển bằng các dự án lồng ghép dài hạn và nguồn tài trợ bền vững hơn, kết hợp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ làm công tác phát triển, xóa đói giảm nghèo và người dân trong cộng đồng. 

Bốn là củng cố và tăng cường các cơ chế hợp tác với các cơ quan và địa phương của Việt Nam, đặc biệt là cơ chế hợp tác ba bên Chính quyền địa phương - Tổ chức phi chính phủ nước ngoài - Người dân, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cùng phát biểu nhấn mạnh rằng, kể từ Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm 2003, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất với nhiều thành tựu có ý nghĩa, rất đáng khích lệ. 

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội và ưu tiên của Việt Nam, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. 

Ông Vũ Xuân Hồng khẳng định, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới để hoàn thành tốt chức năng là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để trở thành cầu nối hiệu quả giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các đối tác Việt Nam, trở thành nơi cung cấp những dịch vụ và những tư vấn hiệu quả nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Tại hội nghị, thay mặt cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, ông Marko Lovrekovic, đồng Giám đốc Trung tâm Dữ liệu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phát biểu, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội nhiều năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng và quan trọng hơn là những thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. 

Đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua, ông Marko Lovrekovic cho rằng yếu tố then chốt cho sự thành công là sức mạnh từ các quan hệ đối tác ở mọi cấp độ; trong đó có các bộ, ngành Trung ương, cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể và người dân Việt Nam. 

Ông Marko Lovrekovic cho rằng thời gian qua Chính phủ có nhiều nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường pháp lý, cũng như tạo cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia vào tiến trình phát triển của Việt Nam. 

Để trong thập kỷ tới tiếp tục phát huy những công việc đã làm được và đưa sự hợp tác lên tầm cao mới, ông Marko Lovrekovic nêu lên sự cần thiết của việc tiếp tục cải thiện khung pháp lý và chính sách đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam đã là một quốc gia có mức thu nhập trung bình, do đó cần phải đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai của đất nước là toàn diện và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo... 

Ông Marko Lovrekovic khẳng định các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ chia sẻ cách nhìn tương tự như Chính phủ Việt Nam trong tiến trình phát triển toàn diện và bền vững, vì lợi ích của tất cả người dân Việt Nam. 

Tại hội nghị, liên quan đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đại biểu đã đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả, bình đẳng và tin cậy lẫn nhau trong nhiều năm qua. Mối quan hệ đó càng được khẳng định hơn thông qua giá trị viện trợ giải ngân và số lượng các chương trình, dự án nhân đạo và phát triển được triển khai ở Việt Nam. 

Trong 10 năm qua, số lượng các tổ chức có quan hệ với Việt Nam tăng từ khoảng 400 tổ chức năm 2003 lên đến trên 950 tổ chức năm 2013. Số lượng các dự án được triển khai là hơn 28.000 dự án, với tổng giá trị giải ngân gần 2,4 tỷ USD. 

Các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục-đào tạo, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, tài nguyên-môi trường... Hoạt động của các tổ chức được triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố và ở hầu hết các bộ, ngành, tổ chức nhân dân của Việt Nam. 

Chiều 28/11, trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 8 hội thảo chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực được sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bao gồm y tế; giáo dục; phát triển kinh tế-xã hội; khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Việt Nam; giải quyết vấn đề chất độc da cam và nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. 

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ bế mạc vào ngày 29/11, nhằm thông báo kết quả của các phiên hội thảo chuyên đề và đưa ra Tuyên bố chung của Hội nghị.