Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nhập ngân hàng - thách thức cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), chuẩn gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Ngành ngân hàng (NH) có thể phải mở room đến 70% thay vì giới hạn 30% như hiện nay. Bởi vậy, nếu không chủ động làm mới mình, các NH nội có thể thua ngay trên sân nhà.

Cạnh tranh nội - ngoại đã hiện hữu

Hiện đã có 7 NH 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Bank Vietnam, Hong Leong Bank, Public Bank Berhad và Citibank. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh, hơn 50 văn phòng đại diện của các NH nước ngoài và một số NH liên doanh.

Đáng lưu ý, những năm trước, NH nước ngoài tăng cường xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Tuy nhiên, gần đây, NH thuộc các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều, như DBS (Singapore), MayBank (Malaysia)... Điều này cho thấy, dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ AEC.
Giao dịch tại một Chi nhánh OceanBank ở Hà Nội.	 Ảnh: Đàm Duy
Giao dịch tại một Chi nhánh OceanBank ở Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Mở cửa lĩnh vực NH là một trong những cam kết mà Việt Nam thể hiện với mong muốn hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế. Với hàng loạt FTA có hiệu lực hoặc dự kiến được ký kết trong năm 2015 như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - EU, TPP..., các NH nước ngoài, nhất là các NH khu vực sẽ tập trung nhiều hơn vào Việt Nam.

Thực tế, vốn điều lệ của các NH thương mại (NHTM) Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015 dao động từ 133 triệu USD đến gần 1,8 tỷ USD - số vốn rất thấp, trong khi các NH nước ngoài có vốn thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ USD. Chẳng hạn như NH Mitsubishi UFJ có số vốn lên đến 1.770 tỷ USD, United Overseas Bank của Singapore: 13,4 tỷ SGD… Rõ ràng đây là một vị thế rất thấp của các NHTM Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Đừng chờ “nước đến chân...”

Nếu như năm ngoái, nhiều NH Việt hoạt động kém hiệu quả, nợ xấu ăn hết lợi nhuận thì các NH ngoại lại rất khấm khá. Thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, đến tháng 6, tỷ lệ an toàn vốn của các NH liên doanh, NH nước ngoài tại Việt Nam lên đến 34%, trong khi tỷ lệ này ở các NHTM trong nước là dưới 10%. Như vậy có thể thấy độ chênh lệch lớn giữa 2 nhóm NH trong việc giữ thanh khoản và giữ an toàn hoạt động.

Sự hiện diện ngày càng nhiều của các NH nước ngoài sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn giữa NH ngoại và nhóm các NH Việt Nam trong thời gian tới. Bởi bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài, các NH ngoại cũng có khả năng thu hút khách hàng là DN địa phương, dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ. Hiện nay, hơn 66% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tay DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này cho thấy, DN FDI cũng là những khách hàng giàu tiềm năng của hệ thống NHTM. Tuy nhiên, bấy lâu nay thị phần này nằm trọn trong tay khối NH nước ngoài. Các NH nội tuy có giao dịch với các DN này nhưng tỷ lệ giao dịch rất thấp. Sức ép cạnh tranh giữa NH ngoại với nội cũng ngày một tăng khi không chỉ nắm được khối DN FDI, các NH ngoại còn có xu hướng “nhấc” được những DN nội quy mô lớn, hoạt động tốt. Để đến được DN, họ có nhiều cách. Đơn cử như quỹ đầu tư của Standard Chartered Việt Nam mới đây đã mua một lượng lớn cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) - DN đầu ngành nông nghiệp, với lợi nhuận tới 800 tỷ đồng/năm. Hay HSBC thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ các DN Việt Nam để thắt chặt mối quan hệ.

Ngoài ra, lợi thế về dịch vụ cũng là điểm mạnh vượt trội của các NH ngoại. Đơn cử, hệ thống và mối quan hệ mỏng không cho phép các NH nội cung cấp và đảm bảo được dịch vụ thanh toán khi DN xuất khẩu gạo sang châu Phi, nhưng NH ngoại lại có khả năng làm được điều đó. Đổi lại, phí dịch vụ họ hưởng sẽ không ít và nguồn thu này lại đến thường xuyên thay vì một khoản lãi cho vay chỉ đến khi DN triển khai dự án mới. Chiến lược hớt ngọn, tập trung vào những DN tốt của các NH ngoại sẽ khiến NH nội ngày một khó khăn hơn.

Thời gian qua, các NH như Vietcombank, VietinBank, BIDV… đã đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại nhưng đều gặp khó khăn. TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận xét, cuối năm 2015, đầu năm 2016, sẽ có thêm nhiều NH nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, nhất là khi mức độ mở cửa theo cam kết có thể lên tới 70% thay vì 30% như hiện nay. Nếu không có bước chuẩn bị để giữ thị phần thì nguy cơ NH nội sẽ mất những khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng đã có mối quan hệ trong thời gian qua.
Uy tín về thương hiệu, năng lực quản trị cộng với chiến lược kinh doanh bài bản là những “vũ khí” lợi hại để các NH ngoại tiến sâu vào thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các NH nội đang phải vật lộn với nhiều khó khăn; trong đó có việc loay hoay với câu chuyện xử lý nợ xấu, tái cơ cấu...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu