Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dễ đến cả tháng nay, Hà Nội dập dìu trong tiếng nhạc “Merry Christmas”, rộn ràng với sắc đỏ của áo ông già Noel, sắc trắng của những bông tuyết “nhân tạo” đậu trên các ô cửa kính…

Chẳng riêng những cửa hàng bán đồ và làm dịch vụ Giáng sinh, mà hết thảy các nhà hàng, cửa hiệu đều choàng lên mình bộ cánh đón chào Noel và Tết “Tây”. Các khách sạn lớn, các sân khấu nhỏ, các trung tâm vui chơi giải trí, cho đến các trung tâm ngoại ngữ, trường mầm non, nhà văn hóa… cũng hối hả chuẩn bị dựng chương trình vui đón một mùa Giáng sinh an lành. Ngay cả trẻ nhỏ cũng “định hình” trong đầu rằng giờ mình có 2 cái Tết gần nhau, cũng náo nức viết thư gửi ông già Noel để “báo công” và xin quà…

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, đêm Noel thường đến trong bình lặng với một vài phút hình ảnh trên truyền hình “kể chuyện” đón năm mới ở một số nơi trên thế giới. Đêm Noel chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa và các bạn thanh niên theo nhau vào nhà thờ chiêm ngưỡng giờ phút Chúa sinh ra đời… Nhưng nay thì khác, Giáng sinh đến trong khắp TP, người Hà Nội đang hòa mình vào không khí đón chào năm mới của người dân khắp nơi trên thế giới. Người lớn tự mình làm những “ông già Noel” để chắp nối niềm tin, ước mơ và mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ…

Rất có thể sẽ có người nói rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng hòa mình vào không khí ấy, hân hoan với niềm vui lễ hội ấy và nâng niu những háo hức của trẻ nhỏ ấy, sẽ hiểu đó đích thị là một điều mới nơi đô thị thời hội nhập. Người đô thị đã giao lưu và tiếp thu văn hóa thế giới để sống với những niềm vui chung của cộng đồng lớn – sống hướng ngoại và hiện đại hơn. Không chỉ riêng đêm Giáng sinh mà cả trong những lễ hội Halloween đầy sắc màu cổ tích, những đêm Giao thừa với lễ hội đếm ngược chào đón năm mới… Sự hội nhập này đáng mừng lắm chứ, vì như có người nói: Chính là cách để kéo gần khoảng cách về văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.