Hội thảo quốc tế Công ước quyền người khuyết tật và vai trò của các hội người khuyết tật, đã diễn ra ngày 10/12, tại thành phố Nha Trang.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
|
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo này..
Hội thảo là cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nội dung của Công ước về quyền của người khuyết tật (CRDP), các vấn đề đặt ra sau khi phê chuẩn Công ước và vai trò của các tổ chức người khuyết tật trong tiến trình này. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) và kỷ niệm Ngày Nhân quyền Thế giới (10/12)..
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Công ước về quyền của người khuyết tật có ý nghĩa đặc biệt giúp thay đổi cách nhìn nhận, tiếp cận của thế giới đối với người khuyết tật: từ một đối tượng tiếp nhận lòng hảo tâm, hỗ trợ y tế và bảo trợ xã hội thành một chủ thể có vị thế, quyền lợi hợp pháp và là thành viên tích cực trong xã hội..
Qua đó, Công ước thúc đẩy việc bảo đảm người khuyết tật được thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản như tất cả mọi người..
Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, tương đương với 8% dân số. Nhằm tăng cường bảo vệ và phát huy quyền của người khuyết tật, xóa bỏ những rào cản để người khuyết tật có thể vững tin hòa nhập và đóng góp cho xã hội, việc Việt Nam tham gia CRDP là một bước đi tất yếu và cần thiết..
Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 118 ký kết CRDP vào ngày 22/11/2007. Từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có việc thông qua Luật về người khuyết tật năm 2010 và dự kiến sẽ phê chuẩn CRDP vào đầu năm 2014.
Tại hội thảo, bà Patricia Barandun, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết, chủ đề của năm nay là Tuyên bố Vienna, điều đã được thông qua 20 năm trước đây tại hội nghị thế giới về nhân quyền..
Tuyên bố Vienna đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực mới trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; tái khẳng định nhiệm vụ của các quốc gia phải bảo vệ quyền của tất cả những người sống hợp pháp trong lãnh thổ đất nước đó..
Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong năm nay đã nhấn mạnh: "Thúc đẩy quyền con người là công cụ quyền mà họ có thể sử dụng để đòi hỏi quyền lợi cho mình. Nó cũng là công cụ hữu ích cho các cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế thực hiện quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được đảm bảo thực hiện tốt.”
Các đại biểu là các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã thảo luận sâu về những vấn đề: ý nghĩa, nội dung, các quy định của Công ước về quyền của người khuyết tật; trách nhiệm của quốc gia khi phê chuẩn Công ước; chia sẻ kinh nghiệm thực thi Công ước; các chính sách của Chính phủ đối với người khuyết tật; cách thức phối hợp giữa Chính phủ và các hội người khuyết tật nhằm tăng cường nhận thức về quyền của người khuyết tật....
Hội thảo cũng góp phần giúp các bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại và hợp tác về nhân quyền./.