Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng, mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng. Các bộ phải báo cáo công khai tiến độ thực hiện nhiệm vụ, “bao giờ làm được, cắt hay không cắt, tại sao không giảm, vướng chỗ nào” - ông Dũng nêu rõ. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng bày tỏ lo ngại về việc cắt giảm có thực chất không hay “gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia”.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng DN rất kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ, tuy nhiên họ cũng đang rất nghi ngờ. "Tâm trạng chung của DN là băn khoăn liệu bộ, ngành có làm thật hay không, hay chạy theo thành tích. Tôi đánh giá đây là lo lắng hợp lý của DN và nhiệm vụ của chúng ta ở đây là phải chứng minh được mình làm thực chất" - TS Nguyễn Đình Cung nói.TS Cung kiến nghị cần phải có những báo cáo, đánh giá kỹ hơn về tính hiệu quả của các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, cắt giảm. Bởi lẽ, số điều kiện đơn giản hóa hay cắt giảm chưa tạo ra chuyển biến nhiều, chưa giúp DN thực sự hưởng lợi. Còn Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Đình Vũ cho rằng, nếu không kiểm tra giám sát thì “nghị quyết, nghị định đầy túi áo, thông tư, thông cáo đầy túi quần nhưng... việc vẫn không trôi”.