Hội viên phụ nữ tham gia “Tổ hòa giải 5 tốt”: Hiệu quả tích cực

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua triển khai trong thực tiễn cho thấy, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của các cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động có hiệu quả, góp phần làm hạn chế, giảm đáng kể số lượng đơn thư, giữ được tình làng nghĩa xóm tại địa phương.

 Hội LHPN quận Hoàn Kiếm tham gia hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy năm 2018. Ảnh: Trần Thảo
Ngăn ngừa mâu thuẫn

Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở của các cấp Hội Phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn quận có 163 tổ hòa giải với 793 hòa giải viên, trong đó cán bộ, hội viên phụ nữ là 452 người, chiếm hơn 56% số hòa giải viên. Hội LHPN quận và cơ sở đã duy trì đều đặn 44 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hội cũng đã tổng hợp, biên soạn và phát hành 14.493 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các nội dung về Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; hỏi đáp về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, khiếu nại, tố cáo... đến cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã phối hợp tổ chức 152 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho 10.652 lượt người tham dự, tổ chức 225 buổi sinh hoạt câu lạc bộ cho 19.950 lượt hội viên; 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.390 lượt người là cán bộ, hòa giải viên cơ sở. 

Đặc biệt, mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" của các phường trong quận Hoàn Kiếm đã hoạt động thực sự hiệu quả, thu hút được sự tham gia của quần chúng Nhân dân và tác động tốt đến đời sống, sinh hoạt ở cơ sở, góp phần ngăn ngừa những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Trong đó, năm 2017, toàn quận hòa giải thành 239 vụ đạt 91%; năm 2018, hòa giải thành 221 vụ đạt 90%. Nhờ làm tốt công tác hòa giải nên tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn được củng cố và phát huy.

Gắn hoạt động hòa giải với phong trào quần chúng

Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt những quy định của pháp luật về hòa giải nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với cơ quan Tư pháp các cấp và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương. Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nhấn mạnh về việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, các cấp Hội cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật liên quan đến Luật Hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, cần xây dựng tốt mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và tiêu chí đánh giá tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền miệng, tọa đàm, sinh hoạt CLB, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi…

Ngoài ra, các cấp Hội cần xây dựng và duy trì các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như: CLB “phụ nữ và pháp luật”, CLB “phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”… Phát huy vai trò các thành viên CLB, nhóm nòng cốt tích cực nắm bắt tình hình dư luận trong cán bộ, hội viên, chủ động tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.