Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôm nay, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên dự khai giảng năm học mới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng 7 giờ 30 sáng ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đồng thời dự lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019.

 Học sinh tập luyện chuẩn bị cho lễ khai giảng

9 nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục
Năm học mới 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT đã đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp. Trước ngày khai giảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ ưu tiên một số nhiệm vụ. Trước hết là rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học (ĐH) một cách hợp lý.
Đặc biệt, chú ý đến tính khoa học trong bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, tránh tình trạng làm cơ học. “Đối với mầm non và phổ thông, trách nhiệm quản lý thuộc về địa phương, chúng tôi đã có hướng dẫn những quy định, quy chuẩn để họ tham khảo” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp là nhiệm vụ quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Vì thế, Bộ GD&ĐT coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này. Theo đó sẽ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, trong đó ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1. Năm học này sẽ thực hiện đánh giá đội ngũ giáo viên và hiệu trưởng theo chuẩn, từ đó xác định năng lực, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
“Chúng tôi đã ban hành thông tư về chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục (GD) phổ thông. Đây là bước tiến rất lớn, bởi muốn nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý, thì đầu tiên phải sửa hệ thống các chuẩn. Qua đó, tránh tình trạng hiện nay một số địa phương nói rằng vượt chuẩn, nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện theo hướng phát triển năng lực” – ông Nhạ nhấn mạnh.
Đảm bảo các điều kiện cho năm học mới
Trước tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học và tại các địa phương (toàn quốc thiếu gần 40.000 giáo viên; trong đó có 34.641 giáo viên mầm non và 5.315 giáo viên tiểu học), Thủ tướng đã chỉ đạo không để thiếu giáo viên, thiếu lớp học khi bước vào năm học mới. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để giải quyết vấn đề này, mới đây ông đã cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thống nhất trình Thủ tướng phương án giải quyết. Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu trình Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho GD mầm non và GD phổ thông.
Trong năm học này, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiên cố hóa trường lớp và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là đối với lớp 1. Mới đây, Bộ GD&ĐT và các bộ tham mưu trình Chính phủ đề án kiên cố hóa trường lớp, trong đó tập trung ưu tiên cho vùng khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đã xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngày khai giảng cận kề nhưng nhiều trường vẫn còn ngập bùn đất, trang thiết bị dạy học hư hỏng. Vì thế, tranh thủ những ngày nghỉ lễ Quốc khánh đến nay, nhiều thầy cô giáo và các lực lượng vẫn nỗ lực khắc phục, sửa sang trường lớp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Tỉnh Sơn La và nhiều địa phương phía Bắc và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên, Bộ và các địa phương đã rất cố gắng để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên đảm bảo cho ngày khai giảng. Đồng thời phân công lãnh đạo Bộ đến động viên các thầy cô chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn cho học sinh đến học.