Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 1.000 tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng áp thấp trên biển Đông đang tiếp tục mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới. Đáng lo ngại, hàng ngàn tàu thuyền vẫn đang hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Mưa lớn kéo dài tại nhiều địa phương
Thông tin tại cuộc họp ứng phó vùng áp thấp đang mạnh dần sáng 6/10, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, vùng áp thấp hiện đang tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 
Dự kiến đến 1 giờ ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. 
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam nên ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2 - 4m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp ứng phó vùng áp thấp sáng 6/10.
Từ ngày 6 - 11/10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500 - 700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 - 250mm/đợt.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau hiện có tổng số 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m. Trong đó, 1.006 tàu cá hiện đang hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Cụ thể số lượng tàu thuyền của các tỉnh: Thanh Hóa 2, Nghệ An 1, Quảng Trị 1, Đà Nẵng 13, Quảng Nam 95, Quảng Ngãi 345, Bình Định 374, Khánh Hòa 60, Phú Yên 112, Bình Thuận 1, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Chủ động phòng, chống ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau mạnh dần lên áp thấp nhiệt đới, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau đang tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về vùng áp thấp, cảnh báo mưa, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động các biện pháp ứng phó. Trong đó các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các địa phương đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lũ.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, TP ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, mưa, lũ, dông, lốc, sét; kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Đồng thời, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Đối với trong đất liền, các tỉnh, TP cần khẩn trương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tập trung kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài đặc biệt lưu ý các cơ quan liên ngành khẩn trương tổ chức đoàn công tác, vào kiểm tra thực tế công tác ứng phó với vùng áp thấp, sau mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới. Lãnh đạo các địa phương vùng dự kiến chịu ảnh hưởng của áp thấp trực tiếp xuống thực địa để kiểm tra, chỉ đạo, thay vì chỉ chỉ đạo thông qua các văn bản, trên tinh thần không chủ quan, lơ là nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.