Đáng chú ý, việc xác minh nguồn gốc đất khu vực này là đất vi phạm chứ không phải đất giao trái thẩm quyền của Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) quận, dẫn đến việc người dân phải chịu mức tiền sử dụng đất cao khi làm sổ đỏ cũng khiến người dân bức xúc vì thiếu thuyết phục. 8 hộ dân khu Lò Ngói cũng “tố”, nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ cũng như gây thiệt thòi cho dân này xuất phát từ việc Phòng TNMT quận thiếu trách nhiệm, “đánh võng” và chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư.
Đất vi phạm hay đất giao trái thẩm quyền?
Mới đây nhất, ngày 3/11/2019, UBND quận Nam Từ Liêm đã có buổi đổi thoại để giải quyết đơn thư và các thắc mắc của 8 hộ dân khiếu nại, về việc UBND quận Nam Từ Liêm xác định nghĩa vụ tài chính không đúng quy định của pháp luật khi xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình các ông, bà tại khu Lò Ngói, phường Mễ Trì.
Buổi đối thoại không có lãnh đạo UBND quận tham gia mà do Phòng TNMT quận chủ trì. Trong khi, đối tượng mà các hộ dân khiếu kiện có việc thiếu trách nhiệm trong quá trình xem xét, xác minh, giải quyết đơn thư cũng như việc thực hiện không đúng với các văn bản hướng dẫn lại là phòng TNMT quận. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Trưởng phòng TNMT, chủ trì buổi đối thoại cho biết, tại thông báo số 250/TP-UBND ngày 19/3/2019 do Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ký giao trưởng các phòng, ban, đơn vị tham mưu giải quyết đơn chủ động chủ trì đối thoại với công dân trong quá trình tham mưu giải quyết khiếu nại.
Cụ thể, từ những kết quả xác minh, Phòng TNMT kết luận, theo bản án phúc thẩm ngày 5/1 và 6/1/2005 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thì các ông, bà đang sử dụng đất tại khu Lò Ngói, phường Mễ Trì thuộc trường hợp sử dụng đất không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là có vi phạm về pháp luật đất đai. Do đó, phòng TNMT đã xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo Khoản 2, điều 7, Nghị định số 45/2014/NĐ/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ trình UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Quốc Đạt.
Nghĩa là các hộ dân “phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại bảng giá đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở. Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại điểm b, điểm c, khoản 3, điều 3, Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, 8 hộ dân và cá nhân có đơn khiếu nại cho rằng, đây là đất giao trái thẩm quyền theo quy định tại Điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Do đó, đã có đơn khiếu nại và đề nghị được áp dụng thu nghĩa vụ tài chính theo quy định tại mục c, khoản 1, điều 8, Nghị định 45/2914/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Nghĩa là “thu tiền sử dụng đất 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại bảng giá đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở. Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại điểm b, điểm c, khoản 3, điều 3, Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Tại buổi đối thoại ngày 3/11/2019, các hộ dân thắc mắc: “Chúng tôi muốn phòng TNMT giải thích rõ vì sao kết luận đây là đất có vi phạm về pháp luật đất đai. Chúng tôi đã san lấp khu ao, hố sâu này từ năm 1998 và từ đó đến nay. Trong nhiều văn bản của các cơ quan chức năng và Tòa án cũng cho biết, đây là đất HTX 1-5 giao trái thẩm quyền cho HTX 487. Và chúng tôi đã bỏ tiền túi ra thực hiện san lấp khu vực ao, hồ gây sạt lở để thành khu đất xây dựng được. Mặt khác, nếu chúng tôi vi phạm, các cơ quan chính quyền có để cho chúng tôi yên ổn sinh sống đến nay không? Nếu là đất vi phạm, sao các hộ dân khác không có ý kiến hay kiện cáo gì từ trước đến nay?”- ông Phạm Quốc Đạt, đại diện cho các hộ dân bức xúc.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Phòng TNMT lại tiếp tục đọc lại các quy định thế nào là đất vi phạm pháp luật đất đai mà không có những giải thích vì sao lại không áp vào đây là đất giao trái thẩm quyền.
Cũng theo Phòng TNMT, để có căn cứ trả lời đơn thư khiếu nại, ngày 12/11/2019, UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức làm việc với Tổng cục quản lý đất đai, Thanh tra TP Hà Nội, Sở TNMT, tại buổi làm việc, Hội nghị đã thống nhất, đây là các trường hợp sử dụng đất do vi phạm pháp luật đất đai. Do đó áp dụng nghĩa vụ tài chính là là các hộ dân “phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại bảng giá đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở.
“Đánh võng”, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho người dân?
Cũng theo phản ánh của các hộ dân, việc phòng TNMT “đánh võng”, thiếu trách nhiệm, “tiền hậu bất nhất” trong nhiều việc dẫn đến không đảm bảo quyền cấp sổ đỏ, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, gây thiệt thòi cho người dân.
Tại buổi đối thoại ngày 3/11, Phòng TNMT kết luận xác minh diện tích đất này là đất vi phạm pháp luật về đất đai. Kết luận này đã không được các hộ dân thống nhất vì không thuyết phục. Mặt khác, trước đó, tại biên bản đối thoại ngày 1/8/2018 của UBND quận Nam Từ Liêm, kết quả xác minh của cơ quan này lại cho rằng: “Việc xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vực Lò Ngói được thực hiện theo quy định tại điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này”.
“Như vậy, cuộc đối thoại này đã khẳng định đây là đất Hợp tác xã 1-5 giao trái thẩm quyền. Tòa án cũng đã xử xong. Tại sao, khi xác định nghĩa vụ tài chính để làm sổ đỏ lại “quy” diện tích đất của chúng tôi vào đất vi phạm? Sự “tiền hậu bất nhất” trong xác minh nguồn gốc đất đai, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của Phòng TNMT đã khiến người dân chúng tôi vô cùng thiệt thòi trong quá trình đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Phạm Quốc Đạt, một hộ dân có đơn thư kiến nghị bức xúc.
Cụ thể, từ năm 2006, các hô dân đã làm đơn thư gửi tới các cấp xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. “Hồ sơ xin giấy chứng nhận của chúng tôi đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo Luật đất đai từ năm 2009, chứ không phải đến giờ mới đủ kiện. Về việc kéo dài cho đến bây giờ đã đẩy các họ dân vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về nơi ăn ở và sinh hoạt dẫn đến ốm đau, bệnh tật và không ổn định là thiệt hại rất lớn cho người dân”- đơn khiếu nại nhiều ần của các hộ dân nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư kéo dài hơn theo thời gian quy định cũng khiến người dân bức xúc. “Theo quy định, đơn khiếu nại thời hạn giải quyết phải trong 45 ngày. Nhưng đơn thư của 8 hộ dân chúng tôi gửi hơn 100 ngày, quận mới tổ chức đối thoại. Tại sao?”, ông đặt câu hỏi.
Theo Phòng TNMT, vì đây là vụ việc phức tạp, các vi phạm diễn ra từ năm 1994 để trả lời đơn thư khiếu nại của các hộ dân, Phòng đã gửi đơn đến các đơn vị chức năng liên quan như Thanh tra TP, Sở TNMT TP và chờ văn bản trả lời dẫn đến việc xử lý đơn thư kéo dài hơn so với thời gian quy định.