Hơn 100 tỷ đồng “bôi trơn” vẫn chưa được làm rõ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội vừa tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong vụ án lừa đảo tại dự án (DA) dãn dân phố cổ.

Tuy nhiên, sau vụ án này, người dân tham gia mua nhà bức xúc cho rằng, việc các bị cáo dùng cả trăm tỷ đồng của khách hàng đi "bôi trơn" chưa được làm rõ. Ngoài ra, dư luận cũng như hàng trăm bị hại cho rằng, bản án còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.

Y án sơ thẩm

Trong 2 ngày 26 - 27/1, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ lừa đảo tại DA dãn dân phố cổ. 4 bị cáo trong vụ án này gồm: Trần Ứng Thanh (SN 1947) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu Xây dựng&Xuất nhập khẩu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Hồng Hà), Nguyễn Đức Lợi (SN 1955) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội, Nguyễn Quốc Xương (SN 1958) - nguyên Phó Giám đốc Công ty Hồng Hà, và Nguyễn Đức Thắng (SN 1950).

 
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Sau quá trình xét xử, Tòa đã tuyên y án sơ thẩm: Bị cáo Thanh và Thắng cùng lĩnh án tù chung thân, bị cáo Lợi lĩnh án 18 năm tù giam và bị cáo Xương lĩnh án 13 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo còn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Từ ngày 1/9/2010 - 22/4/2011, Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng góp vốn với 40 khách hàng và ngấm ngầm ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng, nhận đặt cọc với 104 lượt người. Tính đến ngày 28/5/2012 là 144 lượt người góp vốn với số tiền hơn 169 tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc, xét những hành vi xảy ra có dấu hiệu tội phạm, ngày 19/5/2014, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại UBND quận Hoàn Kiếm.

 

Trước đó, thực hiện chủ trương dãn dân phố cổ của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, ngày 14/6/2000, UBND TP ban hành Văn bản số 1373/UB-XDĐT, giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư DA “Dãn dân phố cổ” tại Khu đô thị (KĐT) mới Việt Hưng, quận Long Biên. Sau đó, Công ty Hồng Hà được UBND quận Hoàn Kiếm giao nghiên cứu “Đề án dãn dân phố cổ” để thu xếp nguồn vốn thi công, nhưng các đối tượng đã sử dụng các quyết định, công văn, tài liệu do UBND quận Hoàn Kiếm ban hành để đem ra làm tin với khách hàng để huy động vốn, ký hợp đồng mua bán căn hộ, nhận đặt cọc... Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thu và sử dụng trái quy định tổng số tiền gần 170 tỷ đồng.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Trong quá trình xét xử, một trong những nội dung được hàng trăm bị hại trong vụ án (là những người đã tham gia ký hợp đồng mua nhà) đặc biệt quan tâm là số tiền hàng trăm tỷ đồng mà các bị cáo mang đi "bôi trơn" thế nào, được chi cho ai? Dư luận cũng như các bị hại cho rằng: Trong gần 170 tỷ đồng thu của khách hàng, trừ số tiền đã trả lại cho 19 người hơn 32,6 tỷ đồng và hơn 13,4 tỷ đồng chi vào một số việc của Công ty Hồng Hà, còn hơn 123 tỷ đồng chi vào việc gì đến nay vẫn không được làm rõ?

Bên cạnh đó, một vấn đề nữa khiến người dân tham gia ký hợp đồng mua nhà bức xúc là tư cách tham gia tố tụng của họ. Các luật sư bào chữa cho 70/144 bị hại cho rằng: Những người dân ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc, mua bán căn hộ với Công ty Hồng Hà là hợp pháp, họ ký với những người có trách nhiệm trong Công ty, có hóa đơn, chứng từ, có đóng dấu của Công ty. Chính vì thế, trong vụ án này, những khách hàng phải được xác định tư cách là nguyên đơn dân sự, còn Công ty Hồng Hà là bị đơn dân sự, chứ không phải là bị hại của những bị cáo đang bị truy tố. Đáng chú ý, theo một số bị hại, ngay tại phiên tòa, đại diện Công ty Hồng Hà cũng đã thừa nhận, con dấu, người ký hợp đồng góp vốn với các cá nhân góp vốn là đại diện của Công ty Hồng Hà...

Nhà thầu không đủ năng lực

Được biết, trong DA đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ dãn dân phố cổ tại KĐT mới Việt Hưng, về cơ chế lựa chọn nhà thầu theo phương thức xã hội hóa, nhà thầu được lựa chọn thi công DA phải ứng toàn bộ vốn để xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt. Tổng số vốn thực hiện DA giai đoạn 1 ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng... Thế nhưng, dù mới chỉ là chủ trương, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội và DA cũng chưa được khảo sát thiết kế kỹ thuật, lập dự toán để lựa chọn nhà thầu thi công, nhưng thông qua các mối quan hệ xã hội, Nguyễn Đức Thắng đã tiếp thị và môi giới cho Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội) do em trai mình là Nguyễn Đức Lợi làm Tổng Giám đốc - với UBND quận Hoàn Kiếm để được thực hiện DA. Phía Công ty Hà Nội không đủ vốn, không có năng lực làm DA nhưng vẫn được UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận cho làm nhà thầu xây dựng 1.800 căn hộ phục vụ dãn dân phố cổ.

Sau khi nhận bàn giao hơn 11ha đất tại KĐT Việt Hưng, UBND quận Hoàn Kiếm với tư cách chủ đầu tư, đã ra Quyết định số 3465 ngày 5/11/2009, giao cho Công ty Hà Nội thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng DA. Tiếp đó, UBND quận Hoàn Kiếm có biên bản xác nhận trách nhiệm của Công ty Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm về việc giao cho Công ty Hà Nội bỏ toàn bộ vốn thi công DA. UBND quận Hoàn Kiếm cũng lập biên bản bàn giao ranh giới khu đất và hồ sơ tài liệu có liên quan cho Công ty Hà Nội. Đối với những việc này, UBND quận Hoàn Kiếm không báo cáo, không xin ý kiến của TP Hà Nội... Những diễn biến tình tiết này khiến dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm đến đâu?