Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 32.000 người Việt sập bẫy siêu lừa 15.000 tỷ đồng tiền ảo thế nào?

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo những người đầu tư tiền ảo vào dự án iFan, số tiền bị lừa đảo qua dự án iFan lên tới 15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 người trên khắp cả nước.

Lãnh hậu quả… vì tham!

Dự án iFan bắt đầu kêu gọi đầu tư vốn từ năm 2017. Dự án này hứa hẹn xây dựng nền tảng quản lý thu nhập, tạo thu nhập thụ động cho nghệ sĩ tại Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, iFan đã lợi dụng tên tuổi, hình ảnh một số ca sỹ như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên…, thậm chí tổ chức các buổi “thuyết khách” có những MC có tiếng tham gia với nội dung quảng bá các nghệ sỹ lớn của Việt Nam đang hợp tác cùng iFan.
 Những nạn nhân ăng banroll tố cáo hành vi lùa đảo của công ty
Tuy nhiên vào tháng 10/2017, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng trên trang fanpage của mình là không dính dáng gì đến cái “quỹ tiền ảo” nêu trên. Và, để “dẫn dụ” được hàng chục ngàn người gồm nhiều thành phần (sinh viên, tài xế taxi, nội trợ, dân văn phòng…) từ thành thị đến nông thôn tham gia đầu tư, nhóm chủ mưu dự án iFan (gồm 7 đối tượng) đã đưa ra lãi suất cao đến chóng mặt (cao hơn các đối tượng cho vay nặng lãi) là mức lãi thấp nhất 48%/tháng! Thậm chí nếu giới thiệu được người khác đầu tư sẽ hưởng thêm 8% lãi suất của người vừa tham gia! Và, thời gian được hoàn vốn chỉ tối đa… 4 tháng!

Chính vì lãi suất đưa ra cực “khủng” nên nhiều người đã gom góp tiền đầu tư vào iFan. Để được gọi là nhà đầu tư, các đối tượng lập dự án iFan buộc người chơi phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD (tương đương 22,5 triệu đồng). Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, tất nhiên số tiền được hứa hẹn khi rút ra cũng rất cao. Sau khi thu được số tiền lớn từ các nhà đầu tư, iFan tuyên bố thay đổi hình thức trả lãi bằng cách quy đổi sang các đồng tiền ảo iFan có “giá quy định” là 5 USD/đồng. Tuy nhiên giá trị thực của đồng tiền ảo chỉ là 0,01 USD/đồng, vì vậy các “nhà đầu tư” cuối cùng ngậm bồ hòn vì biết mình đang một một đống “rác coin” và xem như mất trắng số tiền đã đầu tư.
Các đối tượng lừa ra sao?

Như đã nói, dự án iFan được lập ra bởi 7 đối tượng người Việt Nam, gồm: Diệp Khắc Cường (sáng lập iFan), Vũ Hữu Lợi (đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển quốc tế iFan), Lê Ngọc Tuấn (đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của Ifan)…

Các đối tượng chủ chốt nêu ủy quyền cho Công ty Cổ phần Modern Tech (địa chỉ lầu 9, tòa nhà Vietcomreal trên đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) làm đại diện pháp luật và giám đốc công ty này là ông Hồ Xuân Văn.

Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, các đối tượng trên tổ chức nhiều sự kiện tại các thành phố lớn, thậm chí về tận các vùng nông thôn để “bịp bợm” kêu gọi đầu tư. Tại bất cứ cuộc “hội thảo” hay diễn thuyết nào, nhóm dự án iFan đều cho rằng iFan là… tập đoàn ở Singapore, còn Pincoin là của Ấn Độ. Thậm chí nhóm này còn trình chiếu các đoạn video clip giới thiệu những người đầu tư vào “tiền ảo” ở một số quốc gia, sau đó tậu được nhiều tài sản như: biệt thự có hồ bơi, ôtô đắt tiền…

Ngày 29/9/2017, nhóm sáng lập dự án iFan tổ chức sự kiện tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ra mắt tiền ảo Ifan và huy động vốn với giá khởi điểm 1 USD/một đồng iFan. Khi tổ chức sự kiện, nhóm người nêu trên mời một số MC có chút tiếng tăng dẫn chương trình và lồng ghép các ca sỹ có tiếng vào. Vì vậy ngày 13/10/2017, trên trang fanpage của mình – ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã đưa ra khuyến cáo không dính dáng gì đến iFan. Tiếp đến, vào tháng 11/2017, Vũ Hữu Lợi cùng một số đối tượng trong dự án iFan mở bán ICO (viết tắt của “Initial Coin Offering”) của iFan tại Trung tâm Hội nghị Adora Grand View tại TP Hồ Chí Minh với giá 1,6 USD/đồng iFan. Đối tượng Lợi cam kết sẽ làm App cho Học viện tiền điện tử và xây dựng Học viện tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời liên kết cho nhà đầu tư mua vé máy bay, mua nhà và định cư tại châu u và Mỹ. Tiếp đó, vào tháng 12/2017, nhóm dự án iFan thông qua Công ty Cổ phần Modern Tech tiếp tục tổ chức sự kiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Hà Nội và hứa hẹn lãi suất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng, đồng iFan được bán ra với mức 1,6 - 2,6 USD. Thời điểm này, ước tính tổng số tiền mà nhóm 7 đối tượng lập dự án iFan đã huy động trên 30 triệu USD (tương đương 680 - 690 tỷ đồng).

Sau khi đầu tư vào tiền ảo iFan, nhiều người đã không được nhận bất cứ đồng lời nào nên từ nhiều tháng trước đã bắt đầu nghi ngờ và lên mạng “truy lùng” những “nhà sáng lập”. Và, đỉnh điểm là sáng 8/4, hàng chục “nhà đầu tư” tiền ảo giăng băng-rôn tố cáo Công ty Cổ phần Modern Tech trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tiền ảo iFan là gì?
«Tiền ảo iFan được hiểu là tiền kỹ thuật số (tiền điện tử). Đồng tiền này không được phát hành bởi bất kỳ Chính phủ nào hay tổ chức tài chính nào. Cho đến nay tại Việt Nam không công nhận loại tiền ảo này. Vì không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ nên nó bất hợp pháp”, Luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định.