Ì ạch xoá đường ngang tự mở
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp có 1.516 điểm; nhưng đường ngang tự phát, tự mở lại có tới 4.048 điểm.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 162km đường sắt đi qua, với 570 vị trí đường ngang giao cắt. Nhưng chỉ có 185 đường ngang hợp pháp, còn lại là lối đi dân sinh tự mở, và chỉ 19/385 đường ngang tự phát đó có hệ thống cảnh báo.
Trưởng Ban ATGT đường sắt VNR Phạm Nguyễn Chiến nhìn nhận, trung bình cứ 1,8km đường sắt lại có 1 vị trí giao cắt với đường ngang; trong khi đó ý thức tham gia giao thông của người dân lại chưa cao nên nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt đang ngày càng tăng cao.
Thậm chí ngay cả 1.564 đường ngang hợp pháp (trên toàn quốc) cũng có đến 86% không đáp ứng tiêu chuẩn ATGT theo quy định về đường ngang do tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định...
Đặc biệt tại nhiều vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp..., trang thiết bị cảnh báo còn lạc hậu hoặc đã xuống cấp; phòng vệ đường ngang chủ yếu vẫn là lực lượng nhân công.
Phó Tổng giám đốc VNR Đới Sỹ Hưng cho biết, mặc dù VNR đã làm việc với các địa phương về việc xóa đường ngang tự mở, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới nhưng việc phối hợp còn nhiều bất cập; từ năm 2014 đến nay mới xóa được 391 vị trí lối đi tự mở.
Theo VNR, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ GTVT về ATGT đường sắt. Trong đó có 10 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra TNGT cao; 3 tỉnh, TP tổ chức cảnh giới quá ít vị trí so với yêu cầu thực tế; 3 tỉnh, TP chưa chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp nhận quản lý lối đi tự mở trên địa bàn.
Địa phương không thể thờ ơ
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, trên 4.000 lối đi dân sinh tự phát là trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt; các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt chưa được xử lý kịp thời…
“Tại sao nhiều đường ngang phát sinh như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì? Có những vị trí TNGT đường sắt xảy ra thường xuyên mà địa phương không hề có giải pháp” - ông Thọ đặt câu hỏi.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đảm bảo hành lang an toàn đường sắt có những hạng mục không cần đến quá nhiều tiền. “Chúng ta đều biết ngân sách khó khăn, chúng ta không có tiền nhiều nhưng ít tiền ta vẫn phải làm được. Dùng biện pháp hành chính xử lý thì khó khăn, nhưng phát động phong trào cả hệ thống vào cuộc thì hiệu quả rất cao. Đẩy mạnh tuyên truyền là điều cần thiết, việc này cần tiền nhưng không nhiều” - ông Thọ nhấn mạnh.
Theo thống kê của VNR, trong số các vụ TNGT đường sắt chiếm tới 70% số vụ xảy ra tại lối đi dân sinh giao cắt. Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, việc quản lý đường ngang dân sinh thuộc trách nhiệm của địa phương là chính, chính quyền các cấp không thể thờ ơ. Chỉ địa phương mới có đủ thẩm quyền để giải tỏa, hoặc rào chắn những đường ngang tự phát.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh thông tin thêm, giai đoạn 2017 - 2020, ngành đường sắt sẽ cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.