Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, đã có trên 5 triệu LĐNT được học nghề, trong đó gần 3,5 triệu LĐNT đào tạo theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu về biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT phải đổi mới cho phù hợp. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định số 1956/QĐ-TTg nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tại nghề đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Theo số liệu tổng hợp của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 1,1 triệu người, đạt 75% so với kế hoạch đề ra. Sau học nghề, có gần 873.000 người, chiếm 83,7% có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ. Trong số này có 29.236 lao động được tổ chức, DN tuyển dụng vào làm việc, 26.753 lao động sau khi học xong, tổ chức sản xuất được các HTX, DN bao tiêu sản phẩm, 9.244 lao động đã thành lập tổ hợp tác, HTX, DN. Đáng chú ý, nội dung đào tạo nghề tập trung vào đào tạo nông dân nòng cốt thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng NTM, nông dân làm dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: Thú y viên, dịch vụ thủy nông, thuyền trưởng... Đặc biệt là đào tạo cho nông dân ở các vùng khó khăn, vùng nghèo về kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Không đạt mục tiêu sau học nghề có 80% lao động có việc làm mới. Một số nội dung đào tạo: Sản xuất công nghệ cao, vệ sinh ATTP, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu không có trong chương trình đào tạo. Các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chưa có sự phối hợp gắn kết trong công tác tuyên truyền, định hướng thị trường... Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, đại điện lãnh đạo một số tỉnh đã tập trung thảo luận vào 3 vấn đề chính, đó là: Giải pháp đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả; sự cần thiết của việc đào tạo nghề cho LĐNT gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với mối liên kết của tổ hợp tác, HTX, DN; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 – 2020 là 12.600 tỷ đồng. Với mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu người (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người; ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. |